Samsung, Nokia, Matsushita bị kiện "chôm" bản quyền Bluetooth

  •  
  • 125

Mới đây, Viện nghiên cứu Washington đã quyết định đồng khởi kiện 3 đại gia ngành điện tử Matsushita, Samsung và Nokia vì đã vi phạm bản quyền sáng chế của công nghệ không dây Bluetooth của mình. 

Ba “khuôn mặt” bị đơn hẳn rất quen thuộc với cư dân công nghệ. Matsushita – công ty mẹ của hãng điện tử Panasonic xứ Phù Tang, Samsung – lò sản xuất hàng loạt các dòng sản phẩm điện tử đa dạng của Hàn Quốc và Nokia, đại gia điện thoại xứ Phần Lan.

Phía nguyên đơn là Học viện nghiên cứu Washington, một tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát hoạt động sử dụng mang tính thương mại và thực thi quy chế bản quyền đối với những công nghệ được bảo hộ do các trường đại học công lập trong nước phát triển.

Bluetooth là công nghệ không dây sử dụng tần số radio để trao đổi dữ liệu, được ứng dụng trong những dòng sản phẩm như điện thoại di động, máy tính, tai nghe và nhiều thiết bị khác. Điểm phân biệt giữa các sản phẩm bình thường và sản phẩm có dùng công nghệ Bluetooth chính là ánh sáng màu xanh nhấp nháy trên mỗi thiết bị hi-tech.

ĐTDĐ N-Gage của Nokia, một sản phẩm sử dụng công nghệ Bluetooth. Ảnh: Reuters.

Chưa rõ số tiền đền bù phía nguyên đơn đưa ra trong vụ kiện này là bao nhiêu, nhưng ngày 21/12 vừa qua, bên nguyên đã chính thức đâm đơn ra toà. Và vụ việc được đăng hôm 23/12 trên tờ Post-Intelligencer tại Seattle, rồi một lần nữa lại được Dow Jones đưa lên tờ The Seattle Times hôm thứ tư tuần này (3/1).

Theo lời bà Michael Lisa, phiên toà lần này là kết quả sau suốt ba năm nỗ lực không chính thức và vô vọng nhằm giải quyết vấn đề. Bà nói: “Chúng tôi sẽ không từ chối bất cứ cuộc đàm phán hợp thức nào, nhưng nếu không có những đề xuất như thế, chúng tôi vẫn sẽ tiến hành khởi kiện”.

Về phía bị đơn, các quan chức của Nokia tuân thủ chính sách về lâu về dài nên không có bất cứ bình luận gì. Một đại diện phía Samsung cho hay đã biết thông tin về việc này nhưng cũng chẳng nói gì thêm. Còn với Matsushita, không có ai trả lời điện thoại sau giờ hành chính.

Theo thông tin từ vụ kiện thì tất cả các máy tính, điện thoại di động và tai nghe do ba công ty trên sản xuất đều đã vi phạm tới bốn bản quyền, trong đó có một cái được cấp cho nghiên cứu do Edwin Suominen thực hiện hồi giữa những năm 90 khi anh này còn là sinh viên tại Washington. Tất cả những bản quyền đó đều do Viện nghiên cứu Washington nắm giữ.

Ông John D. Reagh, nhà quản lý các vấn đề luật pháp và phát triển doanh nghiệp của viện nghiên cứu Washington cho biết: “Bản quyền của Suominen chính là điều không bình thường trong vụ việc này. Chúng tôi quản lý các bản quyền cho trường đại học và tôi không nghĩ tới nơi nào khác có những nhà sáng chế không phải là cử nhân”.

Cũng theo ông Reagh thì số tiền đền bù thu được trong vụ kiện này sẽ chuyển về đại học Washington với một phần dành riêng cho Suominen, người đóng vai trò như một cố vấn kỹ thuật trong vụ khởi tố.

Bà Lisa cho biết, cả ba hãng điện tử đều phủ nhận chuyện vi phạm bản quyền, họ cho rằng họ đã mua và trả tiền bản quyền hoặc lấy lại các chip set Bluetooth do tập đoàn Broadcom của Irvine, California sản xuất, mà đây lại là tập đoàn sản xuất chip duy nhất đã trả tiền bản quyền công nghệ Bluetooth.

Nhưng ông Reagh khẳng định: “Chúng tôi muốn chính các hãng điện tử có những sản phẩm sử dụng công nghệ Bluetooth phải mua bản quyền chứ không phải là các nhà sản xuất chip set, lý do rất đơn giản, sản phẩm của họ bán được nhiều hơn và họ thu được những khoản lợi nhuận kếch xù hơn cả”.

Một thực tế là cả ba nhà sản xuất nói trên đều đang sử dụng các chip set do công ty CSR PLC của Cambridge, Anh sản xuất, mà hãng này thì vẫn chưa một lần chịu “dốc hầu bao” chi trả cho bản quyền công nghệ Bluetooth.

Đỗ Dương

Theo AP, VietNamNet
  • 125