Xếp hạng các đại gia công nghệ

  •  
  • 486

Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ về công nghệ cao trên toàn cầu. Trong khi đó Mỹ có vẻ đang đi xuống. 

Theo nghiên cứu của tạp chí Business Week, khu vực Bắc Mỹ hiện đang đứng sau và cách khá xa so với Trung Quốc về sản xuất các thiết bị điện tử, một mảng liên quan đến tất cả mọi thứ, từ máy tính đến đồ điện tử gia dụng, ĐTDĐ và các thiết bị giải trí điện tử tự động.

Các con số về sản xuất sẽ giúp chúng ta đánh giá toàn diện hơn về tính cạnh tranh tầm cỡ quốc gia trên thị trường công nghệ toàn cầu.

Công ty iSuppli dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị lên tới 271 tỷ USD vào năm 2007. Con số này vượt hơn hẳn so với số tiền ước tính từ sản xuất ở vùng Bắc Mỹ mà chủ yếu do Mỹ thống lĩnh (182,4 tỷ USD), tương đương với 67% khả năng sản xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ vượt xa Ấn Độ trong năm nay. Mức sản xuất của Ấn Độ chỉ là 10,8 tỷ USD, bằng 1/17 của Mỹ.

Hàng điện tử Ấn Độ sẽ lớn mạnh

Trong 5 năm tới, Ấn Độ có vẻ sẽ trở nên lớn mạnh hơn. Theo iSuppli, từ 2006 đến 2011, doanh thu của Ấn Độ từ sản xuất thiết bị điện tử sẽ tăng trưởng hàng năm (CAGR) ở mức 19,4%. Mặc dù xuất phát ban đầu thấp nhưng con số này đã gần gấp đôi so với tỷ lệ ở Trung Quốc và gấp 4 lần so với khối Bắc Mỹ.

Trung Quốc dẫn đầu về sản xuất chip

Trung Quốc vượt hơn các nước khối Bắc Mỹ và Ấn Độ về xuất xưởng linh kiện bán dẫn với doanh số khoảng 73,8 tỷ USD vào năm 2007. Đây là con số xuất xưởng tới các công ty trong nước, chưa kể đến việc sản xuất chip ở các quốc gia khác, và sẽ vượt hơn các nước vùng Bắc Mỹ cũng như Ấn Độ.

Ấn Độ cũng sẽ phát triển mạnh về sản xuất chip

Ấn Độ được dư đoán là sẽ phát triển mạnh hơn về doanh thu từ linh kiện bán dẫn hơn các nước còn lại, với mức tăng trưởng hàng năm CAGR là 26,8% từ năm 2006 tới năm 2011, vượt hơn hẳn so với Trung Quốc (9,7%) và các nước Bắc Mỹ (6,1%).

Ảnh hưởng về công nghệ của Mỹ

Đôi khi ảnh hưởng của một quốc gia tới ngành công nghiệp điện tử toàn cầu được thể hiện qua các giá trị của mặt hàng tivi hay các con chip sản xuất trong một năm. Số lượng linh kiện bán dẫn được mua nhằm phục vụ cho các hoạt động của ngành công nghiệp thiết kế điện tử là một thước đo đầy thú vị. Con số này bị ảnh hưởng chủ yếu bởi sức sáng tạo của con người chứ không phải là quy mô sản xuất của nhà sản xuất.

Nói một cách đơn giản hơn, việc thiết kế các sản phẩm công nghệ cao đã trực tiếp dẫn tới việc sản xuất các thiết bị khác nhau và kéo theo việc phải mua các linh kiện bán dẫn. Các công ty tham gia thiết kế các thiết bị điện tử như máy tính, ĐTDĐ, tivi chịu trách nhiệm quyết định với việc sử dụng cụ thể một loại chip nào đó cho sản phẩm của mình. Vì vậy, các công ty đó cũng như các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở sẽ có ảnh hưởng lớn tới ngành công nghệ linh kiện bán dẫn toàn cầu.

Trong trường hợp này, Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới. Người ta tính rằng nước Mỹ có mức độ ảnh hưởng 34,4% trên toàn cầu về mảng thiết kế trong năm nay, trong khi đó Trung Quốc chỉ chiếm 7,6% và Ấn Độ là 2,9%. Ảnh hưởng về mặt thiết kế ở Mỹ đã lên tới 69,3 tỷ USD, gấp gần 5 lần so với Trung Quốc và gần 35 lần so với Ấn Độ.

Điện thoại di động

Người tiêu dùng trong một quốc gia kết nối với nhau như thế nào? Bắc Mỹ hiện đang chiếm 81,5% về máy điện thoại cầm tay, còn Trung Quốc mới chỉ là 38% trong khi con số này ở Ấn Độ là 20%. Tuy nhiên, về số người thuê bao ĐTDĐ, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu với 504,7 triệu thuê bao dự kiến trong năm 2007, so với 272,9 triệu ở Bắc Mỹ và 226 triệu ở Ấn Độ.

Mỹ dẫn đầu về truy cập băng thông rộng

Một phương thức khác để so sánh về mức độ cạnh tranh về mặt công nghệ giữa các quốc gia là việc thâm nhập của đường truyền băng thông rộng tại các gia đình trong quốc gia đó. Điều này đặc biệt quan trọng vì băng thông rộng rất cần thiết đối với việc phát triển cả về nội dung và thương mại số trong nền kinh tế. Trong năm 2007, Mỹ hiện đang dẫn đầu với 48% số gia đình có truy cập Internet băng thông rộng, kế đến là Trung Quốc 11% và Ấn Độ rất khiêm tốn với con số 1%.

Tam Hà

Theo Business Week, TTO
  • 486