Sáng chế miệng nhân tạo cho robot

  •  
  • 445

Nhiều năm qua các nhà khoa học đã cố gắng chế tạo ra lưỡi điện – một thiết bị vị giác của robot có thể có những ứng dụng quan trọng trong việc cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trước khi máy móc học cách nếm thức ăn thì chúng phải học cách làm thế nào để nhai thức ăn trước đã. Các nhà khoa học đã thiết kế một mô hình miệng nhân tạo bắt chước những bước chuyển động cần thiết của quá trình tiêu hóa ở con người – như nhai, tiết nước bọt và nghiền nát thức ăn ban đầu.

Theo cuộc nghiên cứu, Gaëlle Arvisenet và các đồng nghiệp đã chỉ ra một số các yếu tố có liên quan đến việc tiết ra các hợp chất thơm và vị ngon trong miệng. Việc nhai, sự tiết nước bọt, mức độ nghiền nát thức ăn và nhiệt độ tất cả đều ảnh hưởng đến vị ngon và mùi vị của thức ăn trước khi thức ăn được nuốt xuống ruột.

Để mô phỏng một cách chính xác các hiệu quả của việc nhai, đội ngũ của Arvisenet phải chế tạo ra một bộ máy có thể bắt chước một số (nếu không bắt chước được hết) các quá trình tinh vi này. Arvisenet cho biết “Mục tiêu của chúng tôi không phải là mô phỏng y chang những điều kiện trong miệng của con người, mà là nhằm bắt chước kết quả của sự nhai”.

Lược đồ trình bày của bộ phận miệng nhân tạo mà các nhà khoa học đã thiết kế bắt chước theo sự tiêu hóa của con người. (Ảnh: Hiệp hội Hóa học Mỹ)

Các nhà nghiên cứu đã so sánh việc máy của họ và việc miệng người nhai trái táo. Những phần táo đã nhai này được nghiên cứu tỉ mỉ về kết cấu, màu sắc và sự tiết hợp chất thơm. Theo Arvisenet, “Những điều kiện thí nghiệm được xác định là phần trái cây được nghiền nát trong trạng thái gần giống nhất với phần trái cây được nhai trong miệng người.”

Bài báo “Hiệu quả của táo được nghiền nát trong việc tiết các hợp chất dễ bay hơi của một thiết bị miệng nhân tạo mới” dự kiến sẽ công bố trên tạp chí Hóa học thực phẩm và nông nghiệp (Agricultural and Food Chemistry) số ngày 14 tháng 05.

THANH TÂM (Theo ScienceDaily, Sở KHCN Đồng Nai)
  • 445