Cục an ninh quốc gia Mỹ "giúp" Microsoft bảo mật Vista

  •  
  • 189

Cục an ninh quốc gia (National Security Agency – NSA), cơ quan nổi tiếng của Mỹ với nhiệm vụ giám sát, theo dõi đã “nhảy vào” hỗ trợ tập đoàn Microsoft trong việc phát triển tính năng bảo mật của hệ điều hành Vista. Thông tin được chính đại gia phần mềm khẳng định hôm thứ tư tuần này (10/1).

Theo lời phát ngôn viên của NSA, ông Ken White thì Cục an ninh quốc gia sẽ giúp Microsoft cấu hình hệ điều hành thế hệ mới Vista phù hợp với những yêu cầu do Bộ quốc phòng Mỹ (DOD) đưa ra.

Đây không phải lần đầu tiên cơ quan an ninh này tham gia cố vấn với một hãng sản xuất tư nhân về tính bảo mật của hệ điều hành, nhưng theo lời ngài White, NSA cũng chưa có tiền lệ làm việc với bất cứ hãng nào ngay trước khi tung ra hệ điều hành mới như lần này.

Với cách thức can thiệp sớm trong tiến trình sản xuất như thế, NSA hy vọng sẽ giúp Microsoft chắc chắn sẽ tạo ra được sản phẩm mới vừa có tính bảo mật cao lại vừa tương thích với hệ thống phần mềm chính phủ Mỹ đang sử dụng.

Nguồn: otvali.ru
Ông White nói: “Điều này sẽ giúp chúng tôi yên tâm khi cấu hình bảo mật mà khách hàng của DOD nhận được sẽ ở mức đáp ứng các chuẩn do chúng tôi đặt ra. Do đó, việc can thiệp trước sẽ có ý nghĩa hơn nhiều là theo đuôi khi mọi sự đã rồi”.

Việc can thiệp của NSA được công bố lần đầu trên tờ Bưu điện Washington. NSA còn nêu hướng dẫn về cách thức bảo mật tốt nhất cho các phiên bản Windows XP và Windows 2000 của Microsoft. Cũng chính tổ chức này đã bình phẩm về hướng dẫn bảo mật Vista được công bố trên website của Microsoft.

Microsoft không cho phép các uỷ viên điều hành hãng tham gia trả lời phỏng vấn về vấn đề này. Tuy nhiên trong một tuyên bố, hãng này cũng cho biết đã nhờ một số đơn vị và cơ quan chính phủ xem xét về phiên bản Vista như NSA, Khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia (NIST).

Tuy thế thì những liên quan của NSA với phiên bản Vista như đã biết cũng khiến một số người quan tâm. Ông Marc Rotenberg, giám đốc điều hành Trung tâm thông tin cá nhân điện tử (EPIC) cho rằng: “Có lý do đáng để người ta quan tâm, nhất là khi một cơ quan giám sát của chính phủ lại phối hợp với đại gia sản xuất hệ điều hành trong thành phần kinh tế tư nhân”.

Một trong những lý do của sự quan tâm đó bắt nguồn từ những “dính dáng” đã từng có của NSA trong việc giành quyền truy cập các backdoor để giải mã dữ liệu do những sản phẩm của các công ty máy tính Mỹ như Microsoft tạo ra.

Năm 1999, trên website của EPIC, nghị sĩ Mỹ Curt Weldon cho biết “đã có sự thoả hiệp cấp cao về việc truy cập dữ liệu mã hoá giữa NSA, IBM và Microsoft”.

Tất nhiên với phiên bản Vista lần này, phiên bản dự kiến sẽ thống lĩnh đa số các máy tính cá nhân trên toàn cầu, cơ quan an ninh của chính phủ Mỹ không có lý gì không mong muốn có được phương thức truy cập những dữ liệu trên các hệ thống máy tính sử dụng Vista ấy. Đây là quan điểm của các nhà bảo vệ quyền bảo mật thông tin cá nhân.

Theo ông White, NSA đưa ra hướng dẫn về cấu hình bảo mật của Vista nhưng lại không mở được bất cứ một back doors nào với các hệ điều hành Windows. Bà White nói: “Đây không phải là sự phát triển mã mà chỉ là sự hỗ trợ trong việc xây dựng cấu hình bảo mật”.

Người ta không quên cái làm cho NSA nổi tiếng chính là các hoạt động theo dõi, giám sát, và động thái hợp tác với Microsoft được diễn ra cùng với sứ mệnh thứ hai của tổ chức này là: bảo vệ hệ thống thông tin quốc gia. Ông White nói: “Đây là một mặt khác trong nhiệm vụ của NSA mà bạn chưa bao giờ nghe nói về. Tất cả những gì bạn từng biết về nó chỉ với tư cách một cơ quan thu thập tin tức tình báo nước ngoài, nhưng một khía cạnh nữa của cơ quan này còn là bảo mật thông tin”.

Đỗ Dương

Theo Infoworld, VietNamNet
  • 189