Cung điện Schloss Schönbrunn

  •  
  • 1.515
  • Thời điểm xây dựng: 1696 - 1700
  • Địa điểm: Vienna, Áo

Schloss Schönbrunn, cung điện mùa hè của chế độ quân chủ Áo - Hung, là một trong những cung điện Baroque lớn nhất và tráng lệ nhất ở Trung Âu. Dù có đúng như thế, cung điện chỉ là một phần rất nhỏ của những gì mà kiến trúc sư thiết kế cung điện Johann Bernhard Fischer von Erlach mơ tưởng lúc ban đầu.

Fischer - "kiến trúc sư cung đình và hoàng đế" của Hoàng đế Leopold I, là nhân vật chính trong sự phát triển nghệ thuật Baroque ở Áo. Năm 1671, ở độ tuổi 15 ông đến Ý và ở đây trong 16 năm, nghiên cứu di tích Hy Hạp và La Mã lẫn công trình của Borromini, Bernini và Fontana. Ông cũng liên kết với kiến trúc sư Pháp và tìm hiểu công trình của họ qua các bản khắc gỗ. Khi trở về Áo năm 1687, ông nhận thấy Vienna đang phục hồi sau khi bị Thổ Nhĩ Kỳ bao vây, đầy tự tin và sẵn sàng cho những dự án xây dựng đầy tham vọng. Ngay sau đó, ông tìm thấy những người tài trợ quan trọng và ông vào ở trong hoàng cung, trở thành thầy dạy cho con trai của Hoàng đế Joseph, sau này là Joseph I. Năm 1696 ông được nâng lên thành giới quý tộc và được phong danh hiệu "von Erlach". Năm 1704 ông du lịch sang Đức, Hà Lan và Anh để gặp Christopher Wren.

Sơ đồ và thực tế

Có lẽ đối với Joseph, Fischer von Erlach phác thảo sơ đồ đầu tiên về Schönbrunn. Ngày tháng chưa rõ, nhưng quy mô rộng lớn đến mức ông không thể lường hết.

Cung điện Schloss Schönbrunn rộng thênh thang, bên ngoài Vienna
Cung điện Schloss Schönbrunn rộng thênh thang, bên ngoài Vienna
do Fischer thiết kế nhưng Nikolaus Pacassi thiết kế lại phần lớn trong thế kỷ 18 (Ảnh: musik-hochzeit)

Khi ý tưởng về nơi ở lý tưởng của Hoàng đế La Mã thần thánh nảy sinh, cung điện được xây dựng với quy mô lớn hơn điện Versailles của Louis 14. Cung điện đồ sộ phải xây dựng trên đỉnh đồi Schönbrunn bên ngoài Vienna. Lối vào giữa 2 bản sao Cột thành Troy ở Rome dẫn đến một không gian rộng lớn lộ thiên dành cho môn cưỡi ngựa đấu thương, bên hông là các bể chứa có vòi phun nước. Phía sau nổi lên một dải đất bằng tạo bậc dốc lên bằng cách đoạn thoai thoải phỏng theo công viên trong điện Versailles. Trên đỉnh, bản thân cung điện chia thành một mặt mắt trung tâm và các sân bên nối bằng các cánh tường một phần tư.

Khởi công năm 1696, mặc dù Schönbrunn khi được xây dựng chắc chắn là một phiên bản đã cắt xén, nhưng vẫn còn rộng thênh thang nếu xét theo bất kỳ tiêu chuẩn thông thường nào. Nhận ra khoảng sân lớn, cùng với 2 vòi nước, mặt tiền vẫn còn phảng phất điện Versailles, với đại sảnh ở giữa và các cánh tường dành cho Hoàng đế và Hoàng hậu ở bên trái và phải. Joseph I kế vị vua cha năm 1705 và mất năm 1711, trong khi cung điện đang xây dang dở.

Phòng trưng bày lớn trong cung điện Schloss Schönbrunn
Phòng trưng bày lớn trong cung điện Schloss Schönbrunn (Ảnh: imagevienna)

Nội thất của Fischer tạo ấn tượng phù hợp, đầy ắp sản phẩm bằng thạch cao hoàn thiện và tranh vẽ trên trần nhà của các họa sỹ hàng đầu. Tuy nhiên, không cần phải bàn nhiều về chúng, bởi lẽ toàn bộ cung điện đã được Nikolaus Pacassi thiết kế lại về cơ bản trong thế kỷ 18, ông là kiến trúc sư cung đình của Nữ hoàng Maria Theresa. Pacassi cũng thay đổi nội thất, nâng sàn trên cùng, chèn thêm một tầng lửng và thêm vào cho mặt tiền phía bắc một hàng cột Ionic - vì thế xâm phạm nghiêm trọng mặt cắt đứng của Fischer.

Số liệu thực tế:

  • Chiều dài: 190m
  • Diện tích công viên: 1.200 x 1.300m
  • Số phòng: 1.400
    Đường hầm cây cảnh ở Schloss Schönbrunn
    Đường hầm tạo bằng ở Schloss Schönbrunn (Ảnh: yasui.anjiro)

Cung điện của Maria Theresa.

Tuy nhiên, nội thất của Pacassi là tác phẩm nghệ thuật Rococo quan trọng, vì thế làm giảm bớt khiếm khuyết trong thiết kế của Fischer. Hành lang lớn dẫn đến phần giữa của mặt tiền, lúc trước Fischer dùng làm đại sảnh. Cột áp tường có rãnh trang trí đỡ mũ cột trang trí lá ô rô so với trang trí trên tường và gương mạ vàng. Cầu thang xanh lúc trước là phòng ăn của Fischer, chỉ giữ lại tranh vẽ trên trần trong thời đại của ông, tranh phong Joseph I làm thần của Sebastiano Ricci.

"Triệu phòng" có các panel chạm bằng gỗ hồng sắc với 260 tiểu họa Ấn Độ vẽ trên loại giấy da hảo hạng mô tả đời sống ở triều đình các hoàng đế Mughal. Căn phòng đặt theo tên Napoléon, nơi ông đã nghỉ qua đêm vào năm 1805 và 1859, có treo các thảm thêu Brussels cảnh chiến trường thế kỷ 18. Phòng "Vieux-Lacque" là phòng riêng của Maria Theresa, kết hợp nghệ thuật Rococo của Vienna với các panel sơn màu đen của vùng Đông Á. Phòng Trung Hoa hình tròn, lúc trước làm phòng học của Joseph I, cũng có sơn mài Trung Hoa, lại được trang trí theo nghệ thuật Rococo.

Công viên Schönbrunn cũng tạo ấn tượng như cung điện, các hàng giậu cắt tỉa công phu hình thành các vách tường nghệ thuật tạo hình cây cảnh cao bằng tòa nhà 3 tầng. Trong số các công trình, nổi tiếng nhất là công trình Gloriette, vốn là một dãy cột theo trường phái Tân cổ điển bất hủ do Ferdinand von Hokenberg thiết kế, và Nhà Cọ cũng đồ sộ không kém được xây dựng cho Franz Joshp I năm 1882.

H.T (Theo Kiến trúc thế giới hiện đại)
  • 1.515