Đại dịch cúm gia cầm: Xử lý ra sao với đàn chim quý?

  •  
  • 383

Chim sẻ râu

Sau biện pháp “xóa trắng” việc chăn nuôi gia cầm, ngày 15-11, TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các hộ nuôi chim kiểng di dời đàn chim ra khỏi địa bàn TP hoặc tự tiêu hủy trước ngày 30-11. Đây là biện pháp rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bảo vệ đàn chim quý của TP như thế nào?

Nếu làm căng, có lẽ tôi sẽ phải mở lồng thả 7 con sáo về với thiên nhiên. Chứ biểu tôi di dời ra khỏi TP, tôi biết đưa đi đâu. Hơn nữa chắc gì những địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An cho mình mang mấy con sáo đến tạm trú” - Anh Huỳnh Văn Dậu, ngụ đường Trường Sơn, quận Tân Bình, nói.

Chỉ một số ít bị tiêu huỷ

Anh Dậu cho biết 7 con chim sáo gia đình anh nuôi đã 3 năm nay, hiện được bảo vệ nghiêm ngặt không cho tiếp xúc với các loại chim hoang dã. Tuần qua, cán bộ thú y đã đến vận động để di dời, nhưng gia đình còn lưỡng lự vì chưa biết đưa về đâu.

Lập đường dây nóng phòng chống dịch

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm TP.HCM vừa thiết lập các số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin liên quan đến phòng chống dịch cúm gia cầm.

Theo đó, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm TP gồm các số: 8 297580, 0989 757079 (Sở NN-PTNT); 9551360, 9551361 (Chi cục Thú y); 9330807, 9309401 (Sở Y tế); 8443881, 8443860 (Sở Tài nguyên và Môi trường); 0913 229111 (Sở Thương mại). Ngoài ra, các quận, huyện cũng đều có đường dây nóng.

Quận Thủ Đức là một trong những địa bàn có nhiều hộ nuôi chim nhất TP. Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm TP.HCM, tính đến ngày 14-11, địa phương này còn trên 80 hộ gia đình có nuôi chim kiểng và đang đề nghị xử lý, nhưng các hộ nuôi vẫn còn lưỡng lự, hoặc mang giấu trong nhà. Tại quận 12, tuần qua các cơ quan chức năng đã tiêu huỷ trên 100 con chim các loại. Tuy nhiên, theo một quan chức của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP, số lượng tiêu hủy mới chỉ là của những hộ gia đình ý thức được hiểm họa của đại dịch nên đồng ý xử lý, còn lại khá nhiều hộ vẫn “ém” trong nhà để đối phó, hoặc muốn di dời nhưng không biết mang đi đâu.

Có vi phạm quy định Cites?

Theo Hội Sinh vật cảnh TP.HCM, trước đây chim cảnh nuôi trong các hộ gia đình của TP có khoảng 3.000 con. Sau khi dịch xảy ra vào năm 2004, nhiều hộ gia đình đã thả chim về thiên nhiên. Đến thời điểm này, toàn TP còn khoảng 2.500 con, được chia thành 4 nhóm: chim cảnh (hoàng yến, yến phụng, sẻ quế lâm, thanh tước, hồng tước...), chim chọi (họa mi, chích chòe than...), chim hót (chích chòe lửa, họa mi, sơn ca...) và chim nói (sáo, nhồng, cưỡng...). Trong đó chim nuôi để hót có số lượng nhiều nhất.

Ông Trương Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM, cho biết: “Khi dịch cúm gia cầm mới diễn ra, để bảo vệ đàn chim cảnh TP, chúng tôi đã khuyến cáo các hội viên không được tổ chức các hội thi, không tụ tập luyện giọng. Đồng thời tăng cường làm vệ sinh, tuyệt đối không cho tiếp xúc với các loài chim hoang... Giờ có chủ trương mới của TP, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến cáo họ thực hiện theo đúng tinh thần: hoặc di dời, hoặc tiêu hủy”.

Ngày 16-11, làm việc với Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, khi đối chiếu với “Danh mục động vật hoang dã quý hiếm ban hành ngày 22-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ”, chúng tôi nhận thấy nhiều loài chim cảnh đang được nuôi trong các hộ dân trên địa bàn TP.HCM nằm trong danh mục này. Ví dụ như chim sẻ đen, sẻ vàng, nhồng, chích chòe lửa, chim vành khuyên, hoàng yến, két đầu đỏ... Theo Chi cục Kiểm lâm, những loài chim có tên trong danh mục đều thuộc động vật “cần được bảo vệ nghiêm ngặt”. Danh mục quy định của Việt Nam ban hành được dựa trên danh mục của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã quốc tế - Cites, do đó việc tiêu hủy khi vật nuôi chưa nhiễm bệnh sẽ rất khó khăn.

Nên thành lập trung tâm lưu giữ chim quý

Hiện tại, trên địa bàn TP.HCM, 3 địa chỉ có nuôi số lượng chim kiểng nhiều là Thảo Cầm Viên, Suối Tiên và Khu Du lịch Đầm Sen. Tại các địa điểm này, khu vực có nuôi chim đang được đóng cửa, tạm thời không cho khách tham quan đến gần và được rào chắn cẩn thận để tránh tiếp xúc với các loài chim hoang.

Nhiều người cho rằng tại một trong 3 địa điểm trên, TP nên cho thành lập trung tâm lưu giữ chim quý, để người dân có thể mang chim kiểng quý đến ký gởi chăm sóc tập trung, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y trong thời gian cao điểm của dịch. Sau đó cũng nên ban hành quy định cụ thể về điều kiện để được nuôi chim kiểng trong các hộ gia đình. Đây là cách làm có thể vừa bảo vệ được đàn chim quý của TP, vừa vận động được người dân tự giác góp sức cùng chính quyền trong việc ngăn ngừa đại dịch cúm có thể xảy ra.

Theo Người Lao Động
  • 383