Dân Ai Cập cổ là những người đi biển cừ khôi

  •  
  • 471

Cuộc khai quật một xưởng đóng tàu cổ của Ai Cập đã làm lộ ra dấu tích của những con thuyền cổ xưa nhất thế giới. Phát hiện chứng tỏ người Ai Cập cổ đã rất tiên tiến trong công nghệ đóng thuyền.

Mảnh gỗ của con thuyền được tìm thấy tại khu vực. (Ảnh: Livescience)
Những khúc gỗ 4.000 tuổi được tìm thấy bên cạnh các thùng hàng, mỏ neo, cuộn dây thừng và nhiều vật liệu đi biển khác nằm tại khu vực mà các nhà khảo cổ gọi là một khu vực quản lý quân sự xưa.

Khu vực bao gồm 6 hang nhân tạo, nằm tại Wadi Gawasis, một dốc đứng hoang sơ bên bờ Biển Đỏ gần thành phố cảng Safaga ngày nay. Theo nhà khảo cổ Cheryl Ward tại Đại học Florida, tuổi thọ của những phát hiện này là rất đáng nể.

"Những chiếc bè cổ xưa hơn, giống như thuyền độc mộc đã được tìm thấy trên khắp thế giới, nhưng đây là những con thuyền đi biển cổ xưa nhất. Ý nghĩa hơn là con tàu cổ thứ hai tại Ai Cập vẫn trẻ hơn 700 năm so với chiếc này", Ward nói.

Tuy nhiên điều quan trọng không kém là phát hiện tiết lộ về khả năng đi biển của người Ai Cập cổ.

Theo Ward, người ta vẫn cho rằng trong khi người Ai cập cổ thường di chuyển dọc theo sông Nile trên những chiếc thuyền nhỏ, nhưng họ không có đủ trình độ kỹ thuật để thực hiện những cuộc đi biển dài ngày. Bằng chứng mới đây tại Wadi Gawasis cho thấy họ thực sự là những người đi biển đầy kinh nghiệm giống như các nền văn minh sau đó ở Hy Lạp và Rome.

Đặc biệt, chữ viết trên các thùng hàng chứng tỏ rất nhiều người đến từ một vùng đất, thành phố huyền thoại Punt, nơi mà vị trí chính xác vẫn chưa được biết tới.

"Người Ai Cập rõ ràng đã đi biển thường xuyên trong giai đoạn này, cho dù đó là một công việc vất vả. Cần tới vài nghìn người vận chuyển hàng hoá qua sa mạc
", Ward nói.

Trước khi ra biển, người Ai Cập cần vận chuyển các vật liệu, công cụ, hàng hoá từ các thành phố lớn dọc sông Nile tới bờ biển, tại đây con thuyền mới được lắp ráp. Các hang động, có chiều rộng trung bình 18-21 m, có thể được tạo ra để phục vụ mục đích này.

"Bạn có thể so sánh những hang này với các nhà chứa máy bay. Nếu các phi cơ đều bay đi hết, cái gì sẽ ở lại? Những bộ phận, công cụ, đồ vật... giống hệt như ở đây", Ward cho biết.

Các mảnh gỗ còn lại ở Wadi Gawasis cũng chứng tỏ khi thuyền quay về sau vài tháng trên biển, chúng được tháo dỡ trong hang và các bộ phận được kiểm tra lại. Những mảnh đã quá cũ bị loại bỏ, những cái tốt sẽ được sử dụng cho lần sau.

"Người Ai Cập thậm chí còn giương buồm đi tới tận Lebanon để tìm kiếm cây tuyết tùng về đóng thuyền. Nhựa cây được cho là chống vỡ nhưng có vẻ nó không được tốt cho lắm", Ward nhận định.

M.T.

Theo VnExpress/Livescience
  • 471