Đàn cá voi trăm con khiến giới khoa học bối rối

  •  
  • 3.690

Việc cá voi lưng gù tụ tập thành các đàn lớn là hành vi kỳ lạ chưa từng thấy, nhất là khi số lượng của chúng bị suy giảm trong 100 năm qua.

Một đàn cá voi lưng gù 200 con xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nam Phi vào cuối tuần trước, cách nơi kiếm ăn bình thường của chúng tới hàng nghìn km, khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy khó hiểu, bởi cá voi không thường tụ tập với số lượng lớn như vậy, Science Alert ngày 14/3 đưa tin.

Cá voi không phải là sinh vật theo tổ chức xã hội lớn, chúng thường di chuyển và đi săn một mình, theo cặp hoặc những nhóm nhỏ trong thời gian ngắn.

Đàn cá voi lớn đang săn mồi ngoài khơi Nam Phi.
Đàn cá voi lớn đang săn mồi ngoài khơi Nam Phi. (Ảnh: Jean Tresfon).

Hành vi kỳ lạ này của cá voi cũng được phát hiện hồi năm 2011, 2014 và 2015. Một giả thuyết cho rằng đây là dấu hiệu chứng tỏ cá voi đang quay lại với hoạt động cộng đồng, vốn từng được duy trì trước khi số lượng của chúng bị giảm tới 90% do hoạt động săn bắt của con người đầu thế kỷ 20.

"Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như vậy. Có thể hành vi đó xảy ra ở nơi con người không thể nhìn thấy được. Chúng có số lượng quá ít, khiến chúng ta không quan sát được hành vi này", tiến sĩ Ken Findlay thuộc Đại học Công nghệ Bán đảo Cape ở Nam Phi phát biểu.

Cá voi cũng có thể tụ tập thành đàn lớn để ứng phó với sự thay đổi số lượng con mồi. Dù nạn đánh bắt đã làm số lượng của chúng sụt giảm mạnh, cá voi lưng gù đang hồi phục một cách bí ẩn. "Trong vài thập kỷ gần đây, chúng dường như đã vượt qua được thử thách và bắt đầu gia tăng số lượng rất nhanh", tiến sĩ Gísli Vikingsson, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cá voi tại Viện nghiên cứu Biển và Nước ngọt Iceland, cho biết.

Cá voi lưng gù có thể dài đến 16 mét và nặng khoảng 36 tấn. Mặc dù có kích cỡ rất lớn, chúng hoàn toàn vô hại với con người, chủ yếu ăn các loài nhuyễn thể và cá nhỏ. Lần cuối cùng cá voi lưng gù được phát hiện săn mồi ở khu vực ngoài khơi Nam Phi cách đây gần 100 năm.

Cập nhật: 15/03/2017 Theo VnExpress
  • 3.690