Đau cột sống, không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau và kháng viêm

  •  
  • 1.164

Đau cột sống là triệu chứng có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Trong thực tế không phải bệnh nhân nào cũng được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Đáng lo nhất là tình trạng sử dụng thuốc kháng viêm và giảm đau không đúng cách, thậm chí lạm dụng các loại thuốc này đang có xu hướng gia tăng. PGS-TS TRẦN CÔNG DUYỆT, Phân viện Vật lý y sinh học TP.HCM (Bộ Quốc phòng), cho biết:

- Đa số trường hợp đau cột sống với dấu hiệu chèn ép rễ, chèn ép tủy thường là do thoát vị đĩa đệm, xảy ra trên cơ sở thoái hóa cột sống cộng với các yếu tố chấn thương và tuổi tác. Lúc này bệnh nhân có cảm giác đau, nhức, tê dọc theo cánh tay hay chân, làm yếu chân tay hoặc teo cơ.

PGS-TS Trần Công Duyệt (phải) điều trị cho một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng kỹ thuật laser chọc qua da (Ảnh: TTO)

Các phương pháp điều trị bảo tồn như nội khoa, vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp chỉ có tác dụng với một số trường hợp thoát vị nhẹ và mới. Tại một số cơ sở y tế, nhiều bác sĩ (BS) thường ưu tiên chọn lựa các thuốc kháng viêm, giảm đau để chữa các bệnh lý viêm của hệ xương khớp, cột sống. Trong thực tế, cũng có không ít người bệnh “bắt chước” BS, tự ý đến hiệu thuốc mua thuốc kháng viêm, giảm đau mỗi khi họ cảm thấy đau cột sống mà không đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám bệnh.

Do sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau quá dài ngày, tự ý tăng liều một cách tùy tiện, uống không đúng cách, thiếu sự theo dõi một cách có hệ thống của BS... mà nhiều bệnh nhân phải gánh chịu những hậu quả tai hại do các phản ứng phụ của thuốc gây ra.

Theo thống kê của Phân viện Vật lý y sinh học TP.HCM, có khoảng 42% bệnh nhân đến khám cho biết họ có các biểu hiện của triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng, men gan tăng cao và nhiều triệu chứng khác do điều trị bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau trong nhiều năm liền.

Mặt khác, các thuốc này còn gây ra nhiều tác dụng phụ như giảm miễn dịch, ảnh hưởng tới chức năng gan. Nếu sử dụng kéo dài có thể gây viêm loét niêm mạc đường tiêu hóa, giữ nước, gây cao huyết áp, co thắt phế quản, suy giảm miễn dịch, suy giảm chức năng gan... Và điều dễ thấy nhất là nếu sử dụng thuốc dài ngày còn gây ra hiện tượng lờn thuốc.

Khi bị đau cột sống, tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị đúng cách. Ngoài điều trị bằng thuốc, hiện nay, bên cạnh phương pháp mổ hở truyền thống còn có phương pháp an toàn hơn đó là “giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da”. Phương pháp này có thể giúp 80% bệnh nhân tránh được mổ hở.

Chín năm qua đã có hơn 2.000 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống tại Phân viện Vật lý y sinh học TP.HCM. Tỉ lệ thành công khi điều trị bằng phương pháp này tương đương với các nước châu Âu, Nhật, Mỹ. 

VÂN TRƯỜNG ghi

Theo Tuổi trẻ
  • 1.164