Để đến được Sao Hỏa, cần ở ngoài vũ trụ lâu hơn nữa

  •   54
  • 5.261

Một phi hành gia Pháp cho biết con người còn cần phải thực hiện những nhiệm vụ ngoài vũ trụ trong thời gian dài hơn nữa trước khi thực sự chuẩn bị cho chuyến bay đến Sao Hỏa.

Để chuẩn bị cho cuộc hành trình lên Sao Hỏa, các phi hành gia đang thực hiện những nhiệm vụ ngày càng dài hơn ngoài vũ trụ. Như hôm 2/3 vừa qua, nhà du hành người Mỹ Scott Kelly đã kết thúc khoảng thời gian 340 ngày trên Trạm Không gian quốc tế (ISS).

Việc sống một thời gian dài xa Trái Đất có những tác hại không nhỏ lên cơ thể con người, theo nhà du hành vũ trụ Jean-Francois Clervoy của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Trả lời phỏng vấn trang Pourquoi Docteur, nhà phi hành gia người Pháp cho biết: "trong môi trường không trọng lực, hầu như mọi chức năng cơ thể đều bị ảnh hưởng".

Ông Clervoy giải thích: "khi đó mật độ xương sẽ giảm, cũng như cơ bị teo. Máu sẽ phân bố khác đi trong cơ thể, dẫn đến việc thay đổi điều kiện thích nghi của hệ tim mạch và làm tim yếu đi. Hệ miễn nhiễm của cơ thể cũng bị suy giảm. Những thay đổi này tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe của phi hành gia ngoài không gian, nhưng sẽ là vấn đề một khi họ quay lại thích ứng với những điều kiện sống của Trái Đất".

Ảnh minh họa trong phim "Người về từ Sao Hỏa" (2016).
Ảnh minh họa trong phim "Người về từ Sao Hỏa" (2016).

Khi thực hiện nhiệm vụ ngoài vũ trụ, phi hành đoàn luôn bao gồm những thành viên chuyên lo về y tế, được đào tạo để đối phó với những tình huống sức khỏe khẩn cấp, cũng như mỗi phi hành gia đều có một bác sĩ chỉ định tại Trái Đất có thể liên lạc mọi lúc trong chuyến đi. Tuy nhiên, những chuyến du hành ngoài vũ trụ luôn để lại 3 ảnh hưởng vĩnh viễn lên cơ thể người đó là thay đổi mật độ xương, suy giảm thị lực và tồn đọng bức xạ vũ trụ trong cơ thể.

Theo thống kê, sau khi thực hiện một nhiệm vụ ngoài không gian, 1/4 số phi hành gia sẽ phải mang kính suốt đời, mặc dù thị lực trước đó vẫn tốt. Ông Clervoy cũng cho biết nhiều phi hành gia đã không thể tiếp tục bay do cơ thể đã đạt tới ngưỡng tối đa của mức tồn đọng bức xạ vũ trụ. "Trong không gian, chúng ta bị phơi nhiễm với nhiều bức xạ hơn là tại Trái Đất", ông nói.

Chuyến hành trình dài ngoài vũ trụ để đến được Sao Hỏa đặt ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó lớn nhất là phóng xạ. Theo phi hành gia Clervoy, "chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tác hại của bức xạ vũ trụ khi thực hiện những chuyến du hành dài xuyên hành tinh. Trong khi đó, những nhiệm vụ đầu tiên đến Sao Hỏa sẽ không thể lập tức đổ bộ xuống đây sau chuyến hành trình, mà phi hành đoàn sẽ phải ở lại trên quỹ đạo quanh hành tinh từ 1,5 – 2 năm. Chúng ta chưa bao giờ ở ngoài không gian lâu đến vậy. Do đó, cần phải thực hiện những nhiệm vụ ngoài vũ trụ dài hơn nữa trước khi sẵn sàng cho chuyến du hành đến Sao Hỏa".

Cập nhật: 14/03/2016 Theo motthegioi
  • 54
  • 5.261