Dế đực sử dụng mùi hương để quyến rũ "bạn tình"

  •  
  • 1.181

Tạp chí Proceedings of the Royal Society B vừa công bố một nghiên cứu, do các nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu Y học Tiến hóa thuộc Đại học Tây Australia thực hiện, cho biết các chú dế đực biết sử dụng mùi hương để quyến rũ "bạn tình".

Sau khi phân tích các hóa chất trên lớp da của loài dế đồng của Australia, tên khoa học là Teleogryllus oceanicus, các nhà khoa học nhận thấy rằng lớp hydrocacbon cutin của côn trùng được bọc một lớp acid béo để ngăn chặn hiện tượng mất nước.

Thành phần hóa chất tăng cường này có thể biến đổi nhanh chóng trong hợp chất và phản ánh những thay đổi về cấp bậc xã hội của mỗi cá thể, qua đó cung cấp thông tin về đặc điểm riêng của loài côn trùng, giới tính và hoạt động giao phối của chúng.

Ở bất kỳ loài côn trùng nào, khi thứ bậc trong loài bị hạ thấp thì con đực có những thay đổi ngắn hạn trong thành phần hóa học. Tình trạng chiếm ưu thế của con đực có thể thường xuyên bị thách thức. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy các chú dế đực đã thay đổi thành phần hóa học của lớp vỏ giàu chất béo để phản ứng lại những hành động hung hăng với những chú dế đực khác.

Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sỹ Melissa Thomas cho biết, về mặt giao phối, những hóa chất này (lớp hydrocarbon cutin), có tác dụng tương tự như bộ lông "hấp dẫn đối tác" của những chú chim đực. Ở loài dế, lớp vỏ này cũng có vai trò thu hút dế cái một cách tương tự.

Nghiên cứu cho thấy, những chú dế đực khi đánh nhau với đồng loại và không may bị thua trận đã tiết ra một chất hóa học như một kẻ chiến bại. Bà Thomas cho rằng, hiện tượng này có thể bù đắp cho việc chúng thụ tinh không thành công.

Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã xếp hạng những chú dế thông qua một loạt trận đấu. Chỉ những chú dế thắng trong tất cả các vòng đấu (kẻ mạnh nhất) và những chú dế thua cuộc (kẻ yếu thế) được đưa vào nghiên cứu.

Các nhà khoa học đã xếp hai chú dế khỏe mạnh tiếp tục đánh nhau với hai chú dế thua cuộc để quan sát trạng thái của những chú dế bị ép buộc thay đổi, và dễ dàng xác định được chú dế nào thắng cuộc bởi những chú yếu hơn sẽ lảng tránh trong khi con mạnh hơn thường "ca khúc khải hoàn" với vẻ hung hăng, tự đắc.

Mẫu hydrocarbon cutin được lấy và phân tích sau đó cho thấy, những chú dế trước đây từng thắng cuộc nhanh chóng thay đổi cấu trúc hydrocarbon, giống như cấu trúc ở những chú dế yếu hơn. Bà Thomas cho rằng, hiện tượng biến đổi hóa học này có thể giúp chú dế từng thắng cuộc tăng khả năng thành công trong giao phối.

Bà chỉ rõ: “Mặc dù dế đực không thể ép buộc dế cái giao phối, thế mạnh có thể khẳng định khả năng hấp dẫn dế cái thông qua những tín hiệu âm thanh. Những chú dế mạnh hơn sẽ cất lên những giai điệu 'tán tỉnh' trước sự có mặt của những chú dế yếu thế. Trong khi đó, chú dế yếu hơn bị kìm nén không thể cất lên tiếng gáy bởi những đợt gáy lấn át của đối thủ mạnh mẽ hơn ở gần nó".

Trong tự nhiên, cá chú dế yếu có lẽ đã bù đắp cho điểm bất lợi bằng việc tạo ra lượng hydrocarbon cutin nhất định lớn hơn. Chất này đã được chứng tỏ là giúp tăng độ hấp dẫn của dế đực đối với dế cái, giống như đàn ông xức nước hoa đậm đà hơn mỗi khi hẹn hò với bạn gái.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu, các chú dế yếu chiến thắng trong trận giao tranh không biến đổi thành phần hóa học để phù hợp với thành phần hóa học như của kẻ mạnh. Điều này cho thấy trong những cuộc cạnh tranh xã hội, dế đực bị ảnh hưởng bởi lớp hợp chất hóa học mềm trên cơ thể, hoặc "kinh nghiệm xã hội" có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định của con đực trong những tương tác tiếp theo.

Tiến sỹ Thomas cho rằng, hiểu được ứng dụng và tác dụng của các hydrocarbon cutin là bước đầu tiên trong việc phát hiện liệu thông tin này có tác dụng trong việc kiểm soát sâu bệnh hay không.

Theo Vietnam+
  • 1.181