Để giống cấy mô xuống ruộng đồng

  •  
  • 1.380

“Thất vọng nhất là khi hì hụi làm từ sáng đến 12 giờ trưa mới chuyển được mẫu vào ống nghiệm thế nhưng hôm sau vào lại thấy mẫu bị chết hết, hoặc bị nhiễm bệnh. Vui nhất là khi thấy cây phát triển được trong môi trường nuôi cấy. Chuyển một ngàn mẫu vào ống nghiệm mà có được một mẫu sống là đã nhen nhóm hy vọng”- thạc sĩ Đặng Phương Trâm nói như thế về công việc nuôi cấy mô của mình và các đồng nghiệp. Với những hiệu quả bước đầu, đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và áp dụng công nghệ cao để sản xuất một số giống hoa nhập nội tại TP Cần Thơ” do thạc sĩ Đặng Phương Trâm chủ nhiệm, đã mở ra những hướng phát triển mới cho nghề trồng hoa kiểng ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Nói về ngành trồng hoa kiểng ở ĐBSCL, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (NN&SHƯD), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), kể: “Khi đến thăm và làm việc với Trường ĐHCT, các đoàn khách nước ngoài hỏi về việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng hoa kiểng cho nông dân như thế nào. Thật sự là từ trước đến nay, ĐBSCL làm rất tốt vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Bây giờ, đã qua thời thiếu ăn, phải nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp. Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật cao vào ngành hoa kiểng là nhằm đáp ứng yêu cầu này”.

Kỹ thuật nuôi cấy mô đã được ứng dụng rộng rãi tại một số nước trong khu vực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành hoa kiểng. Chẳng hạn, Thái Lan đã ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để đưa hoa phong lan Thái ra thị trường thế giới, mang về nguồn thu đáng kể. Trong khi đó, ở ĐBSCL, việc sử dụng cây giống nuôi cấy mô vẫn còn khá xa lạ với nông dân. Phần lớn nông dân trồng hoa theo cách gieo hạt hoặc ngắt chồi giâm. Ngay cả đối với vạn thọ- một loại hoa quen thuộc, được sử dụng nhiều ở ĐBSCL- hạt giống để trồng vẫn phải nhập từ nước ngoài. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ nói: “Nếu không chủ động nghiên cứu, sản xuất giống sẽ xảy ra tình trạng lệ thuộc về giống”.

Thạc sĩ Đặng Phương Trâm (bên phải) đang chuyển giao những kết quả nghiên cứu cho cán bộ kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ.

Thạc sĩ Đặng Phương Trâm (bên phải) đang chuyển giao những kết quả nghiên cứu cho cán bộ kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ.  (Ảnh: baocantho)

Tháng 6-2003, Sở Khoa học- Công nghệ TP Cần Thơ quyết định cho thực hiện nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và áp dụng công nghệ cao để sản xuất một số giống hoa nhập nội tại TP Cần Thơ”. Đề tài do thạc sĩ Đặng Phương Trâm, bộ môn Sinh Lý Hóa, Khoa NN&SHƯD, Trường ĐHCT làm chủ nhiệm. Trong gần 3 năm, nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy mô sản xuất một số cây hoa giống có tiềm năng phát triển và trồng hoa cúc từ cây cấy mô theo mô hình để cắt cành trên ruộng sản xuất.

Nuôi cấy mô là kỹ thuật quan trọng trong trồng hoa kiểng. Nuôi cấy mô giúp sản xuất cây giống nhanh hơn, chủ động hơn về nguồn giống, cây mạnh, phẩm chất cao”- thạc sĩ Đặng Phương Trâm nói. Các giống hoa được chọn để nghiên cứu gồm: vạn thọ, cúc, gloxinia, sống đời Thái Lan, dạ yến thảo. Theo thạc sĩ Đặng Phương Trâm, đây là những giống hoa “bình dân”, được người dân ĐBSCL ưa chuộng, trồng nhiều nên kết quả nghiên cứu dễ chuyển giao ứng dụng.

Chỉ từ một phần lá hoặc thân của cây qua nuôi cấy mô sẽ cho ra hàng trăm cây giống. Một quá trình tưởng đơn giản nhưng phải trải qua nhiều khâu phức tạp như: khử trùng mẫu- đưa vào môi trường nuôi cấy để tạo cụm chồi- từ cụm chồi, nhân tiếp, tách ra cho mọc rễ thành cây. Trong quá trình nuôi cấy mô, khâu khó nhất, tốn thời gian, công sức nhiều nhất là chuyển mẫu vào ống nghiệm. Đây cũng là khâu quyết định thành công hay không. Mẫu được đưa vào ống nghiệm phải đảm bảo được loại bỏ hết nấm, vi khuẩn cộng sinh, phải sạch hoàn toàn mới phát triển được. Thạc sĩ Đặng Phương Trâm cho biết: “Sai số biến động vô cùng lớn. Có khi đưa mẫu vào ống nghiệm là thành công liền nhưng có khi đưa hàng ngàn mẫu mới được một mẫu”.

Qua hàng loạt các thí nghiệm, với qui trình chung là phương pháp cấy nốt đơn (cấy đoạn thân), nhóm nghiên cứu đã có nguồn gien trên các giống hoa: vạn thọ, cúc, gloxinia, sống đời Thái Lan, dạ yến thảo với tổng số 22 dòng khác nhau. Không dừng lại, sau khi cấy mô của cây hoa cúc đã phục hồi sinh trưởng, nhóm nghiên cứu tiếp tục chuyển ra trồng trên liếp theo mô hình để cắt cành. Thạc sĩ Đặng Phương Trâm phân tích: “Tập quán sản xuất hoa kiểng của nông dân miền Tây là trồng trong giỏ. Trong khi điều kiện đất đai, khí hậu của một số tỉnh miền Tây hoàn toàn có thể trồng một số loại hoa cắt cành thì tại sao không trồng mà phải nhập hoa từ Đà Lạt về sử dụng”. 7 giống cúc: Đại đóa trắng, Vàng chanh, Vàng hè, Móng rồng, Thọ đỏ, Pha lê, Trắng, từ phòng nuôi cấy mô được đưa ra trồng trên ruộng theo phương thức cắt cành.

Hợp tác xã Bình Minh hoa cảnh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ là nơi triển khai trồng cúc cắt cành của đề tài. Ông Dương Minh Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã, cho biết: “Từ tháng 2-2004, Trường ĐHCT giao 3.000 cây giống cho hợp tác xã trồng thử. Sau 3 tháng trồng, hoa nở rất tốt, đạt chất lượng (độ lớn của hoa, màu sắc hoa, độ bền của hoa) tương đương với hoa Đà Lạt”. Theo phân tích của thạc sĩ Trâm, 1 công ruộng, đầu tư 15 triệu đồng, có thể trồng được 40.000-44.000 cây cúc cắt cành. Với giá bán 500 đồng/cành, vụ đầu, nông dân có thể hòa vốn hoặc lỗ nhẹ nhưng từ những vụ sau bắt đầu cho lãi khoảng 10-15 triệu đồng/công. Ông Út nhận xét: “Từ trước đến nay, trồng hoa theo phương pháp truyền thống thường bị động về ngày mùa, thời vụ, không có giống mới… Sử dụng cây giống từ nuôi cấy mô và trồng cắt cành khắc phục được những hạn chế trên. Do cây nuôi cấy mô sạch bệnh nên ít tốn thuốc, công chăm sóc mà chất lượng hoa cũng cao hơn”. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy các giống cúc: Đại đóa trắng, Vàng chanh, Vàng hè, Móng rồng, Thọ đỏ, Pha lê, Trắng sinh trưởng và cho hoa khá, đạt giá trị hàng hóa trong vụ đông xuân; giống Đại đóa trắng, Vàng chanh trồng vụ xuân hè có khả năng ra hoa bình thường.

Những thành công của đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và áp dụng công nghệ cao để sản xuất một số giống hoa nhập nội tại TP Cần Thơ” đang được chuyển giao cho Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ, thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP. Thạc sĩ Đặng Phương Trâm nói: “Chúng tôi chuyển giao nguồn gien và kinh nghiệm nuôi cấy mô cho cán bộ kỹ thuật của trung tâm. Hiện nay, nguồn gien đã tăng lên gấp đôi so với thời điểm tôi thực hiện đề tài”. Nối tiếp bước nghiên cứu của thạc sĩ Trâm, đề tài “Xây dựng mô hình trồng hoa từ giống nhân bằng kỹ thuật cấy mô (cúc, vạn thọ) ở An Bình, Long Tuyền, TP Cần Thơ” do thạc sĩ Hoàng Hữu Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ Cần Thơ, làm chủ nhiệm, đang được triển khai thực hiện.

Hiện nay, vấn đề băn khoăn chính là giá thành của cây nuôi cấy mô. Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Tho, Tiền Giang, nhận xét: “Giống cấy mô sạch bệnh nhưng giá khá đắt”. Vì nuôi cấy mô là kỹ thuật cao, đầu tư rất tốn kém, thêm vào đó nhu cầu của thị trường chưa cao nên sản xuất giống cấy mô còn manh mún nên giá thành của cây nuôi cấy mô khá cao (vạn thọ, cúc: 1.000- 2.000 đồng/cây), nông dân ít có cơ hội tiếp cận. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ nhấn mạnh: “Để giải quyết vấn đề này, cần hợp tác, hình thành mạng lưới nhân giống, từ viện trường đến phòng nuôi cấy mô của các tỉnh, thành, đến bà con nông dân”.

Với những nỗ lực của các nhà khoa học, các cán bộ kỹ thuật, sự hợp tác của các hợp tác xã, nông dân, những kỹ thuật cao dần được ứng dụng vào ngành trồng hoa kiểng góp phần giúp nông dân ĐBSCL làm giàu bởi nói như Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ: “Nếu biết áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, ngành trồng hoa sẽ mang lại lợi nhuận rất cao”. Vấn đề còn lại là giải quyết đầu ra của sản phẩm khi hoa được sản xuất đại trà. Mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông- nhà khoa học- doanh nghiệp - nhà nước sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề này?

Bài, ảnh: SỸ HUIÊN

Theo Báo Cần Thơ
  • 1.380