Đêm nay công bố giải Ig Nobel

  •  
  • 270

Rất khó để đánh giá chính xác thế giới khoa học sẽ đi đến đâu nếu không có công trình có ảnh hưởng lớn từ năm 1975 của giáo sư Bernard Vonnegut: "Vặt lông gà được sử dụng như một phép đo vận tốc bão".

Một điều rõ ràng là nghiên cứu đột phá của Vonnegut có thể đã phai nhạt trong trí nhớ nhiều người, song không phải với Marc Abrahams, sáng lập viên của giải Ig Nobel - giải trao hằng năm cho những thành tựu khoa học "không thể hoặc không nên được tạo ra".

Các chủ nhân thực sự của giải Nobel sẽ giúp ban tổ chức trao tặng những giải thưởng "bất đắc dĩ" này trong sự tráng lệ, lộn xộn và tàu bay giấy rơi lả tả tại lễ trao giải Ig Nobel, diễn ra ở nhà hát Sanders, Đại học Harvard (Mỹ) hôm nay.

Cùng với Vonnegut, những người từng được "vinh danh" trong giải Ig Nobel còn có tác giả của một báo cáo ấn tượng về ảnh hưởng của nhạc đồng quê đối với hiện tượng tự tử, việc sử dụng nam châm để khiến ếch bay lên, và ảnh hưởng của bia, tỏi cũng như kem thiu lên sự thèm ăn của đỉa.

Bài diễn văn chính trong đêm nay sẽ được đọc bởi chủ nhân của Ig Nobel Sinh học năm 2003 - Kees Moeliker - người giành chiến thắng với tài liệu đầu tiên (và cũng là duy nhất tới nay) ghi nhận lại tình trạng đồng tính luyến ái ở vịt trời.

Abrahams sáng lập giải Ig Nobel vào năm 1991. Khi đó, với tư cách là biên tập viên của một tạp chí khoa học, ông nhận được vô số lời đề nghị khuyên nên làm cách nào để có được giải Nobel thật sự từ những nhà nghiên cứu mà công trình của họ đã đi quá xa so với dòng chảy khoa học.

"Một số trong họ đã làm những điều thực sự gây sửng sốt", Abrahams nói. "Nó khiến bạn cười vang và sau đó lại khiến bạn suy nghĩ".

Hai học giả từng đoạt giải Nobel vật lý và hoá học sẽ trao 10 giải Ig Nobel trong các lĩnh vực như y học, vật lý, hoá học và sinh học, mà danh tính của người thắng cuộc được giữ bí mật trong điều kiện tốt nhất như tại Viện hàn lâm Nobel ở Stockholm.

Abrahams chỉ bật mí rằng người được giải năm 2005 đến từ hơn 4 lục địa. Ngoài ra, còn có một giải Ig Nobel Hoà bình, mà danh hiệu năm ngoái được dành cho Daisuke Inoue, người Nhật Bản đã phát minh ra karaoke vì thành tựu "mở ra một cách thức hoàn toàn mới giúp con người học cách chịu đựng người khác".

T. An (theo AFP)

Theo VnExpress
  • 270