Địa cầu phình lên như quả bóng - Những vụ lừa dối trong khoa học (Kỳ 2)

  •  
  • 960

Đó là những sai lầm xuất phát từ động cơ không lành mạnh của cá nhân. Thế nhưng nó đã tồn tại trong thời gian không ngắn trong cộng đồng khoa học và thậm chí gây những hệ lụy tiêu cực. 

Địa cầu tăng gấp đôi thể tích

Mô hình địa cầu phình lên theo giải thích của Hugh Owen

Địa cầu đang phình lên và chúng ta vẫn không biết tại sao”, đó là tựa bài gây sốc trên tạp chí New Scientist ngày 22-11-1984. Đó là lý thuyết do nhà cổ sinh vật học Hugh Owen thuộc Bảo tàng Anh đưa ra. Owen phát triển lý thuyết của mình theo hướng tìm cách tái tạo lục địa Pangée, tức lục địa nguyên thủy duy nhất của địa cầu trước khi bị tách ra thành các mảng lục địa hiện nay.

Theo ông, cách nay 225 triệu năm, con người có thể chu du khắp thế giới bằng đường bộ! Trước đó vào năm 1912, Alfred Wegener đã chứng minh rằng các châu lục hiện nay đang rời xa nhau theo thời gian. Hiện tượng đó tạo ra 3,5km2 “nền đất” mới ở dưới đáy các đại dương.

Nhưng Owen sau này phát hiện rằng ở một số địa điểm trên địa cầu những vùng vịnh hình tam giác giữa các mảng lục địa không tương ứng với phần đáy đại dương. Giả thuyết xói mòn không thể giải thích cho những “lỗ hổng” đó. Do vậy ông đưa ra giả thuyết địa cầu đã phình lên.

Ông thậm chí cho rằng địa cầu đã tăng gấp đôi thể tích kể từ thời lục địa Pangée. Để minh chứng cho luận điểm của mình, Owen đưa ra mô hình địa cầu có đường kính 12.700km, tức ít hơn 20% so với đường kính hiện nay để giải thích lý do vì sao các mảng lục địa có thể kết dính với nhau.

Vì sao địa cầu có thể phình ra? Owen cho rằng phần tâm địa cầu là một nhân nóng hừng hực như quả bom nguyên tử nên nó làm địa cầu phình lên như quả bóng, làm nứt phần vỏ địa cầu. Thêm vào đó là những thiên thạch không ngớt bắn vào địa cầu thúc đẩy sự tách rời các mảng lục địa.

Cách lý giải đó đã bị các nhà vật lý địa cầu đánh giá là “xuẩn ngốc” do lẽ thiên thạch trúng vào địa cầu không nhiều và không “nhằm nhò” gì so với thể tích khổng lồ của địa cầu. Chưa kể với nguyên lý trọng lực, lẽ ra sự phình lên của thể tích phải dẫn đến sự giảm đi của đường kính địa cầu. Về những vùng vịnh tam giác không tương thích với đáy đại dương, câu trả lời rất đơn giản: đó là sự thiếu đồng nhất của mảng địa cầu khiến nó bị biến dạng khi tách rời nhau ở một số địa điểm.

Thế nhưng cho đến nay vẫn còn không ít nhà khoa học bảo vệ cho luận điểm của Owen và đưa ra thêm những giả thiết mới giải thích cho luận điểm này.

Vụ “trí nhớ của nước”

Ngày 30-6-1988, tạp chí khoa học Nature tung ra một cú chấn động trong giới nghiên cứu: nước có khả năng ghi nhớ những phân tử của chất lỏng từng được hòa tan trước đó, cả khi phân tử này nay không còn hiện diện. Thiên hạ tin sái cổ vì tác giả của bài viết là một nhà nghiên cứu danh tiếng của Pháp. Jacques Benveniste là bác sĩ, nhà sinh học, giám đốc một đơn vị nghiên cứu tại Inserm (Viện Sức khỏe và nghiên cứu y học quốc gia).

Phát hiện của ông được xem như cứu tinh cho giới bác sĩ ngành liệu pháp vi lượng đồng căn vì nếu nước khi được pha đến mức bão hòa mà có tác dụng thì điều đó sẽ giải thích cho cơ chế tác động của các loại thuốc vi lượng đồng căn. Alfred Spira, một nhà nghiên cứu lỗi lạc tại Inserm, càng làm tăng trọng cho phát hiện của Benveniste khi tuyên bố phát hiện trên là “có ý nghĩa nhất từ sau phát hiện của Newton” và ông kêu gọi giới nghiên cứu thế giới thực hiện những nghiên cứu bổ sung.

Thế nhưng những thử nghiệm sau đó của các nhóm khác không đạt được đến kết quả như Benveniste đã công bố. Người ta tiếp đó phát hiện thêm rằng những nghiên cứu của nhóm Benveniste được tài trợ trực tiếp từ Hãng dược phẩm Boiron chuyên sản xuất thuốc vi lượng đồng căn. Và cũng chính hãng này đã trả tiền cho nghiên cứu phản biện của nhóm nhà khoa học thuộc tạp chí Nature.

Vụ “trí nhớ của nước” nhanh chóng chìm xuồng và được ghi nhớ như một kinh nghiệm gian dối đáng buồn. Nhóm nghiên cứu của Benveniste tan rã vào năm 1993. Còn tạp chí Nature sau đó phải công bố những kết quả nghiên cứu ngược lại với công trình của Benveniste nhưng có điều tạp chí này không thèm rút ra kết luận đúng sai gì cả.

Vụ trí thông minh di truyền

Số liệu về trẻ sinh đôi bị giả mạo trong nghiên cứu của Cyril Burt

Vụ này cũng gắn liền với tên tuổi một nhà khoa học tầm cỡ thế giới. Cyril Burt, cố vấn Bộ Giáo dục Anh, từng được xem như một trong những nhà tiên phong của nghiên cứu tâm lý học cho đến khi ông qua đời năm 1971.

Lý thuyết của ông gắn với một quan niệm khá phổ biến trong xã hội: trí thông minh là do di truyền và không hề phụ thuộc môi trường sống hoặc giáo dục. Để chứng minh, ông nghiên cúu những cặp sinh đôi cùng trứng (cùng bộ gen di truyền) nhưng được nuôi dưỡng trong gia đình riêng biệt. Năm 1943, ông công bố loạt kết quả đầu tiên về 156 cặp sinh đôi, trong đó có 15 cặp sống không cùng gia đình.

Ba nghiên cứu khác tiếp nối vào các năm 1955, 1958 và 1966 với số cặp sinh đôi nhiều hơn. Nghiên cứu sau cùng có số mẫu lên đến 53 cặp sinh cùng trứng nhưng bị nuôi dưỡng riêng biệt từ lúc mới lọt lòng. Tất cả các nghiên cứu này đều nhằm chứng minh rằng di truyền là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định khả năng của con người khi lớn lên.

Do có vị trí trong Bộ Giáo dục nên ông Burt có điều kiện gây ảnh hưởng đáng kể trong nền giáo dục ở Anh. Sau nghiên cứu của ông, người ta thực hiện việc tuyển chọn học sinh vào trường chuyên lớp tuyển qua các trắc nghiệm IQ và thậm chí có lúc việc lựa chọn này áp dụng cho nhóm tuổi 11. Một số nhà tâm lý còn lợi dụng những kết quả nghiên cứu của Burt để biện minh cho các luận điểm phân biệt chủng tộc. Họ gần như công khai cho rằng tình cảnh sống tệ hại của một số cộng đồng thiểu số là do có liên quan đến sắc tộc, tức liên quan đến di truyền.

Mãi đến khi Burt qua đời, nhiều chuyên gia mới dám xem xét lại nghiên cứu của ông ta. Leon J. Kamin, giáo sư tâm lý học ở Princeton, phát hiện những trùng hợp đáng ngạc nhiên trong loạt số liệu thống kê của Burt. Sự ngẫu nhiên hoàn hảo đến mức khó tin trong nghiên cứu khoa học. Kamin kết luận ngay là Burt đã giả mạo số liệu để chúng có thể phù hợp với kết quả mà ông ta mong muốn.

Đến năm 1976, phóng viên của tờ Sunday Times là Olivier Gillie tìm ra được những bằng chứng động trời hơn. Thứ nhất, hai nữ cộng sự chính của Burt từng công bố các bài báo trên tạp chí chuyên ngành của Burt là The British Journal of Satistical Psychology để chứng minh cho giả thuyết của Burt không hề có trên đời! Thứ hai, tệ hơn, nhiều cặp sinh đôi nằm trong nghiên cứu chỉ là những con người được nhào nặn ra theo ý muốn của nhóm nghiên cứu hay đúng hơn là của Burt; số liệu về chỉ số IQ của cha mẹ những cặp này nêu trong báo cáo dĩ nhiên cũng là giả mạo.

Thật sự chỉ có 15 cặp sinh đôi có tham gia trong nghiên cứu của Burt. Chưa hết, vì những chuyện trời ơi kể trên, người ta còn nghi ngờ thêm chuyện Burt ăn cắp nghiên cứu của các tác giả khác, sửa đổi kết quả của một số nghiên cứu (của các tác giả khác) công bố trên tạp chí của ông ta để phù hợp với những luận điểm về trí thông minh di truyền của ông ta.

Vụ Burt sau đó thậm chí mang tầm vóc chính trị quốc gia khi Công đảng kết án đảng bảo thủ áp dụng chính sách phân biệt chủng tộc trong giáo dục ở Anh.

Vấn đề còn lại là xác định động cơ đích thực của Cyril Burt trong việc bám víu lấy luận điểm sai lầm của mình. Người ta cho rằng ông này quá tin tưởng vào quan điểm của mình nên tìm cách chứng minh tính đúng đắn của nó bằng mọi giá và mọi phương tiện. Cô Leslie Spencer Hearnshaw, người nghiên cứu và viết chân dung về Burt, tiết lộ về cuối đời ông này bị điếc và đau bệnh liên miên.

Quan trọng hơn, ông có dấu hiệu bị tâm thần hoang tưởng và tỏ ra hết sức hung hãn khi nghe nói về những người phản bác nghiên cứu của mình. Leslie còn phát hiện thêm là “hai nữ cộng sự” mà Olivier Gillie lật tẩy như đề cập ở trên thuộc trong nhóm 20 “nhà nghiên cứu ảo” do Burt nhào nặn ra. Chính Burt đã viết ra các bài nghiên cứu mang tên những người này để bảo vệ luận điểm của mình. Quả không còn gì để bình luận được nữa!

NGUYỄN QUÂN tổng hợp

Trong khoa học có những quan niệm được lưu truyền một cách tự nhiên, hư hư thực thực, tồn tại trong thời gian dài. Với sự tiến bộ từng ngày trong ngành, ngày nay người ta đã có thể điểm lại đâu là quan niệm thật, đâu là ngộ nhận đơn thuần.


Kỳ tới: Sự thật và ngộ nhận trong khoa học

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 960