Dịch não mô cầu quay lại

  •  
  • 345

Ảnh lớn: Một bệnh nhân nhiễm não mô cầu điều trị tại BV Nhiệt đới TPHCM. Ảnh nhỏ: Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là ban máu hình bản đồ. (Ảnh: B.S.T)

Trước ngày nhập viện một hôm, cháu N.P.T, 12 tuổi, ngụ tại phường 12, quận 6 - TPHCM bỗng nhiên sốt cao, ói mửa. Đêm hôm đó, cháu than mệt và xuất hiện một vài nốt ban trên ngực. 6 giờ 15 phút ngày 6-6, T. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốc, trụy tim mạch, chân tay lạnh, nổi tử ban (ban máu) ở ngực. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết và điều trị tích cực. Tuy nhiên, do bệnh nặng, diễn tiến quá nhanh (khoảng 12 giờ trưa ban máu đã lan ra khắp người), nên đến 14 giờ cùng ngày T. đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy tác nhân gây bệnh là não mô cầu. 

Nhiều thể bệnh từ nhẹ đến nặng 

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay đã có 9 trường hợp mắc bệnh do não mô cầu phải nhập viện, trong đó có 4 ca tử vong (2 người lớn và 2 trẻ em). So với những năm gần đây, năm nay số người bệnh do não mô cầu nhập viện tăng cao hơn hẳn. Nguyên nhân theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP, là bệnh truyền nhiễm thường có chu kỳ 5 - 7 năm và năm nay có thể là chu kỳ của não mô cầu hoành hành. 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, bệnh não mô cầu đã có từ lâu nhưng mấy năm gần đây rất hiếm gặp. Bệnh do não mô cầu với nhiều tuýp khác nhau như A, B, C, W, Y... gây ra. Khi nhiễm vi khuẩn này, người bệnh có thể biểu hiện lâm sàng ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Người nhiễm có thể biểu hiện là viêm họng, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp. Các trường hợp viêm họng thường giống như bệnh viêm họng thông thường khác, chỉ biểu hiện đau họng, ho, sốt rồi tự khỏi hoặc hết bệnh sau khi dùng thuốc kháng sinh. Nặng hơn, vi khuẩn từ họng tấn công vào não gây viêm màng não. Lúc này người bệnh sẽ có các triệu chứng nhức đầu, nôn ói, sốt cao, cổ cứng, co giật, hôn mê. Có trường hợp kèm theo những ban xuất huyết sẫm màu ở ngoài da. 

80% tử vong ở thể tối cấp 

Theo giới chuyên môn, nguy hiểm nhất trong nhiễm não mô cầu là vi khuẩn từ họng có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ở dạng này bệnh được chia thành 2 loại, đó là nhiễm trùng huyết cấpnhiễm trùng huyết tối cấp. Triệu chứng của nhiễm trùng huyết cấp là bệnh thường kéo dài sau khi sốt cao 1 - 2 ngày và xuất hiện những ban máu rải rác toàn thân. Còn nhiễm trùng huyết tối cấp sẽ có triệu chứng sốt cao, ói mửa, lừ đừ, người tím hết trong vòng 12 giờ đồng hồ, ban lan ra rất nhanh, chỉ trong vòng 6 giờ là đã lan khắp toàn thân. Vi khuẩn có thể làm hoại tử những ngón chân, ngón tay dẫn đến tình trạng rụng ngón hoặc có thể làm hoại tử những vùng da (sau này phải cắt lọc để lại sẹo). Những trường hợp này thường có tỉ lệ tử vong là 80%. 

Bệnh lây lan nhanh 

Bác sĩ Khanh cho biết, vi khuẩn não mô cầu lây lan nhanh qua đường hô hấp, đặc biệt ở những nơi đông đúc dân cư, môi trường mất vệ sinh. Gần đây, trên thế giới đã có loại thuốc chích ngừa được 4 tuýp vi trùng A, C, W, Y. Còn ở VN hiện mới có loại thuốc chích ngừa 2 tuýp A và C. Vì vậy, phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh răng miệng, vệ sinh môi trường. Khi mắc bệnh viêm họng, cần đi điều trị ngay để vi khuẩn không tấn công sang những bộ phận khác. Người nhà bệnh nhân, những người tiếp xúc với bệnh nhân cần được uống thuốc ciprofloxacin để phòng ngừa bệnh (thuốc do Trung tâm Y tế Dự phòng cung cấp).

Đã xuất hiện ổ dịch!

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết hiện nay trong TP đã xuất hiện một số ổ dịch nhỏ não mô cầu. Khi phát hiện những ca bệnh nặng tại cộng đồng (rất khó phát hiện những ca bệnh nhẹ vì triệu chứng như viêm họng thông thường), Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ xử lý môi trường để ngừa lây lan và phát triển thành những ca bệnh nặng. Cách phòng ngừa tốt nhất đối với người dân là tăng cường vệ sinh cá nhân, môi trường và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Qua khảo sát những ca bệnh não mô cầu, phần lớn bệnh nhân đều có điều kiện sống chật chội, đông đúc. Cụ thể, cách đây 3 tuần, BV Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 16 tuổi, làm công tại quận 5 -TPHCM, bị nhiễm não mô cầu thể nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân cho biết mình sống trong một căn phòng rộng khoảng 25 m2 chung với... 20 người!

Thùy Dương

Theo Người lao động
  • 345