Điều chưa biết về bản đồ tương tác dự báo thảm họa

  •  
  • 825

Khi nhiệt độ trái đất tăng thêm 4 độ C, sản lượng lương thực sẽ giảm mạnh, số vụ cháy rừng, bão lụt... tăng cao ở nhiều nước. Những hậu quả này vừa được các nhà khí tượng học của Anh cụ thể hóa trên bản đồ kỹ thuật số.

Trên bản đồ do Cơ quan Khí tượng của Chính phủ Anh lập ra, những khu vực có nguy cơ lớn nhất có nhiều khoanh tròn. Màu sắc của vòng tròn biểu thị từng nguy cơ cụ thể: nâu - cháy rừng, xanh lá cây nhạt - giảm năng suất, xanh da trời - thiếu nước ngọt, xanh lá cây đậm - mực nước biển dâng cao, tím nhạt - sản lượng thủy hải sản giảm, nâu sẫm - hạn hán; xanh da trời nhạt - sông băng tan; xanh lá cây đậm - bão nhiệt đới, đỏ - nhiệt độ tăng cao, xám - các loại bệnh tật như tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết... bùng phát.

Nhìn rõ hậu quả

Không còn bị giới hạn ở dự báo trừu tượng, bản đồ tương tác là cách tiếp cận khoa học có thể được áp dụng để phòng chống hiện tượng thời tiết phức tạp cùng hệ quả ở từng khu vực cụ thể trên phạm vi toàn cầu.

Khi nhiệt độ trái đất tăng thêm 4 độ C, sản lượng của cây nông nghiệp trên thế giới sẽ giảm mạnh. Ở các vĩ độ thấp, năng suất lúa mì và ngô sẽ giảm 40%. Năng suất đậu tương ở các khu vực sản xuất lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Đông Nam Á sẽ “xuống dốc không phanh”.

Trong khi đó, tần suất và độ dữ dội của các vụ cháy rừng sẽ tăng cao ở hầu hết cánh rừng trên trái đất, trong đó có Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Nam Mỹ, Đông Phi, Đông Nam Âu, Australia, Nga (nhất là phần nằm ở châu Âu và khu vực Ural).

Bản đồ tương tác dự báo thảm họa trên phạm vi toàn cầu.

Đến trước năm 2050, các sông băng ở dãy núi Hymalaya sẽ “teo tóp” đáng kể. Sau khi sông băng tan, nguồn nước cung cấp cho những con sông lớn nhất Trung Quốc sẽ cạn dần, và 23% người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ bị thiếu nước sinh hoạt.

Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì các con sông của nước này nhận 70% nước từ sông băng trên núi. Tài nguyên nước ngọt ở Địa Trung Hải, miền Nam châu Phi và những vùng rộng lớn của Nam Mỹ vốn được bổ cập từ các sông băng ở dãy Cordillera có khả năng giảm tới 70%.

Số phận tương tự cũng chờ đón các mũ băng ở vùng cực. Ở Bắc Siberia, Canada và Alaska, lớp bề mặt của vùng đất đông giá vĩnh cửu sẽ tan hoàn toàn, gây hậu quả nghiêm trọng đối với động thực vật cũng như cơ sở hạ tầng. Theo tính toán của các nhà khoa học, nhiệt độ tăng 4 độ C cũng sẽ làm tan băng ở phía Tây Nam Cực và Greenland.

Toàn bộ sự tan băng này sẽ khiến mực nước biển và lượng bão biển tăng đáng kể. Những cơn bão nhiệt đới sẽ xuất hiện thường xuyên với cường độ lớn hơn. Hậu quả là nguy cơ chết người đối với nhiều nước châu Âu và khu vực duyên hải của các nước khác tăng cao.

Cư dân châu Á trở thành... cá

Đến cuối thế kỷ này, mực nước biển có thể dâng cao thêm 80 cm và sẽ tiếp tục tăng. Mực nước biển ở các vĩ độ nhiệt đới sẽ còn cao hơn nhiều. Chỉ cần thêm 53 cm nước dâng thêm thì có thêm 150 triệu người phải sống ở các khu vực bị ngập lụt, trước hết là khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, 3/4 trong số đó là cư dân châu Á. Khoảng 56 triệu người dọc Ấn Độ Dương, 25 triệu người dọc bờ biển Đông Á, 13 triệu người dọc bờ biển Đông Nam Á sẽ phải sống trong ngập lụt.

Ngoài ra, nhiệt độ của nước tăng sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan trong đó, đồng nghĩa với việc đời sống đại dương thay đổi hoàn toàn với sự diệt vong của nhiều loài hải sản.

Những hậu quả trên được các nhà khoa học dự báo khi nhiệt độ trung bình trung bình của trái đắt chỉ tăng 4oC. Cuộc sống con người sẽ thế nào khi tiên liệu của họ thành sự thực? 

Biến đổi khí hậu ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Báo cáo Phát triển thế giới năm 2010 của Ngân hàng Thế giới nêu rõ 3 yếu tố chính khiến người dân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu:
- Một lượng lớn dân cư sống dọc theo bờ biển và ở đảo thấp: hơn 130 triệu người Trung Quốc, gần 40 triệu người Việt Nam, 2 triệu người ở các đảo Thái Bình Dương...
- Một số nước nghèo phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Khi sức ép lên đất đai, nguồn nước và rừng gia tăng do dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường tăng, những nước này phải đối mặt ngày càng nhiều vấn đề về quản lý liên quan đến tài nguyên môi trường.
- Các nền kinh tế khu vực vẫn phụ thuộc vào nguồn lợi thủy hải sản. Chỉ riêng ở Đông Nam Á, giá trị của những rặng san hô lên tới 13 tỷ USD. Khu vực này đang chịu nhiều sức ép từ ô nhiễm công nghiệp, đánh bắt quá mức. (Thu Loan)


Nguồn: Met Office, Popmech.ru

Theo Báo Đất Việt
  • 825