Đoán bệnh qua chuyện ăn uống

  •  
  • 1.121

Nếu bạn đột nhiên không thấy thèm ăn, hễ nhìn thấy thức ăn là ngán, thấy dầu mỡ thì buồn nôn, cơ thể mỏi mệt, bắp chân mỏi rã rời, nước tiểu đỏ, mắt vàng... thì rất có thể bạn bị viêm gan.

Thức ăn là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể con người. Sau vài giờ không được ăn uống, cơ thể sẽ có cảm giác đói, và khi đó, chỉ cần ăn một ít thức ăn là sẽ thỏa mãn được nhu cầu của cơ thể; nhưng khi cơ thể có bệnh thì cảm giác thèm ăn sẽ bị ảnh hưởng.

Từ sự ăn uống tốt hay xấu, việc thích hay không thích một số thức ăn, lượng thức ăn nhiều hay ít một cách thất thường, khẩu vị thay đổi và cảm giác khác thường sau bữa ăn, ta có thể biết cơ thể có bệnh hay không.

Không thiết ăn uống

Trường hợp này có hai khả năng. Chán ăn là sinh lý nếu cơ thể không thấy có gì khác thường, chi có sự thay đổi mạnh mẽ về tình cảm như lo buồn, hoảng sợ quá mức ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương điều khiển về ăn uống.

Các trường hợp chán ăn bệnh lý:

- Bỗng nhiên không muốn ăn, miệng nhạt vô vị, ngạt mũi, chảy nước mũi, rêu lưỡi trắng, phần nhiều do cảm cúm gây nên.

- Thường xuyên không muốn ăn, đại tiện lỏng, số lần tăng lên nhiều, ngửi mùi thức ăn nhất là thức ăn có nhiều mỡ thì thấy ngán và bị tiêu chảy ngay, đó là do cơ năng của dạ dày và ruột giảm.

- Miệng nhạt nhẽo, ăn uống sút kém, chứng tỏ có bí đại tiện theo thói quen. Đó là do khi bí đại tiện, vi khuẩn đường ruột chết thối, sinh ra nhiều chất có hại, ảnh hưởng đến chức năng của gan và trung khu thực vật gây nên.

Ngoài ra, không thiết ăn uống có thể do bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh thận, bệnh tim, các bệnh ác tính. Trong một số trường hợp, chán ăn ở người cao tuổi và trẻ em thường là triệu chứng báo trước, khởi đầu của một bệnh nặng, cần đề phòng, chú ý theo dõi.

Thèm ăn quá mức

Tình trạng này có thể là hiện tượng sinh lý, do mang thai, làm công việc nặng, tiêu hao nhiều năng lượng nên cơ thể phải bù đắp bằng cách ăn nhiều.

Biểu hiện thèm ăn bệnh lý thường gặp là ăn rất nhiều nhưng gầy, sút cân do trong các bệnh cường tuyến giáp trạng, bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, việc động mạch của huyết quản não bị xơ cứng nghiêm trọng cũng có thể làm cho thiếu máu thiếu ôxy ở trung khu não (cơ quan điều khiển việc hấp thu thức ăn), gây ra cảm giác thèm ăn quá mức. 

Cảm giác khác thường sau khi ăn

Cảm giác thèm ăn bình thường, nhưng khi ăn món có nhiều dầu mỡ thì có cảm giác đau chướng phần bụng trên phía bên phải và lan tỏa đến phần lưng vai bên phải: Có thể bị bệnh ở túi mật hoặc đường mật.

Sau khi ăn 30-60 phút thì vùng bụng trên (vùng thượng vị) có cảm giác khó chịu, ăn vào một lượng nhỏ thực phẩm như vài cái bánh bích qui, bánh mì, bánh gatô, uống một chút nước sôi thì hết các triệu chứng đó; đó là triệu chứng viêm dạ dày hay loét hành tá tràng mãn tính.

Sau khi ăn, bụng đầy, người thấy nôn nao, bị nấc ợ, đau dạ dày có lúc bí đại tiện hoặc tiêu chảy, hình thể gầy còm... là biểu hiện sa dạ dày.

Sau một bữa ăn quá nhiều, bỗng nhiên thấy đau dữ dội ở vùng bụng trên, hoặc đau quặn lại và truyền lan sang phần lưng bên trái, kèm theo cồn cào, buồn nôn, nôn mửa hoặc phát sốt. Đây có thể là triệu chứng viêm tụy cấp.

Sau khi ăn đồ ăn nguội thì đau bụng tiêu chảy, điều đó chứng tỏ cơ thể quá nhạy cảm với đồ ăn lạnh và đang có rối loạn chức năng của dạ dày và đường ruột.

Ăn uống bình thường, sau khi ăn, nhu động dạ dày quá mức bình thường, có tiếng kêu trong ruột, buồn đi đại tiện, điều này chứng tỏ chức năng dạ dày và ruột đã bị rối loạn, đường ruột quá nhạy cảm hoặc viêm ruột mãn tính đã thành thói quen.

Nên nghĩ đến ung thư dạ dày thời kỳ đầu nếu sau khi ăn, thức ăn chảy ngược lên miệng có kèm theo nuốt khó, chỉ có thể uống nước hoặc thức ăn lỏng, sau xương ức và phần bụng trên khó chịu, dinh dưỡng kém, gầy sút rõ rệt có thể do ung thư thực quản hoặc co giật thượng vị. Người già, trung niên ăn xong thấy bụng trên chướng, không có nguyên nhân nào khác, không thiết gì đến ăn, người gầy sút nhiều. Nên đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra. 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 1.121