Đối mặt thảm họa môi trường

  •  
  • 1.370

Để có một gam vàng, người ta dùng hai, ba gam thủy ngân độc hại để khai thác nó. Và để có những bãi khai thác vàng theo kiểu thủ công, người ta không ngần ngại triệt phá rừng và tàn phá môi trường.

Mấy tháng nay, giá vàng thế giới liên tục lập những kỷ lục mới. Hàng chục ngàn “vàng tặc” lại tràn sâu vào các khu rừng mưa nhiệt đới miền Tây Amazon Peru. Họ tạo ra những bãi vàng dọc theo sông Amazon và các phụ lưu. Hàng trăm xe công trình, chủ yếu là máy đào đất và nạo vét sông, hoạt động ngày đêm hết công suất.


Một khu rừng ở Madre de Dios trở thành sa mạc. (Ảnh: Reuters)

Nhập thủy ngân vô tội vạ

Theo tài liệu hải quan Peru, trong bốn năm qua, nước này đã nhập khẩu thủy ngân với số lượng tăng từ 75.000 kg năm 2006 lên 132.000 kg hồi năm ngoái. Riêng năm nay, tính đến đầu tháng 9 này, lượng nhập khẩu chính thức thủy ngân là 131.876 kg. Lượng nhập lậu không thể tính được.

Bộ Năng lượng và Hầm mỏ (MEM) cho biết thủy ngân nhập khẩu được dùng chủ yếu để khai thác mỏ theo kiểu thủ công. Một cuộc khảo cứu gần đây của tổ chức Caritas ước tính, riêng tỉnh Madre de Dios (Mẹ các vị thần) – nơi có nhiều bãi vàng lậu nhất - hằng năm sử dụng 50 tấn thủy ngân, hầu hết đều ngoài vòng kiểm soát của cơ quan môi trường nhà nước.

Tháng 3 năm ngoái, Viện Địa chất, mỏ, luyện kim và MEM đã cấp 1.592 giấy phép đặc nhượng khai thác mỏ ở Madre de Dios nhưng chỉ có 19 giấy phép được Bộ Môi trường thông qua về mặt tác động sinh thái. Đáng chú ý là có đến 87 mỏ nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tambopata được cấp phép khai thác.

Theo MEM, việc kiểm soát các bãi vàng lậu thuộc thẩm quyền các tỉnh nhưng nạn tham nhũng hoành hành khắp nơi cho nên hầu hết đều nằm ngoài vòng kiểm soát của chính phủ.

Do tình trạng cấp phép vô tội vạ và không thể kiểm soát các bãi vàng, thủy ngân đã thấm vào đất, chảy tự do vào các nguồn nước, giết hại các loài thủy sinh.

Tại các bãi vàng lậu ở Huepetuhe hay Inambari thuộc tỉnh Madre de Dios, hoàn toàn vắng bóng nhân viên thuế vụ, một ký thủy ngân được bán tự do với giá từ 150 đến 180 sole (1 sole = 6.982 đồng) đựng trong các bình dán tên Thủy ngân Mỹ hoặc Thủy ngân Tây Ban Nha.

Theo quy chế quốc gia, mọi công ty nhập khẩu thủy ngân phải có biện pháp thu hồi hoặc tái sử dụng thủy ngân sau khi dùng. Tuy nhiên, quy chế không ràng buộc những điều kiện xử lý cuối cùng thủy ngân mà theo các chuyên gia tốt nhất là xuất đi nước ngoài vì trong nước không có chỗ chôn. Chính vì lẽ này, hàng tấn thủy ngân độc hại nằm rải rác hoặc bốc hơi khắp nơi.

Nguy hiểm như vậy, tại sao Chính phủ Peru không cấm buôn bán tự do thủy ngân? Câu hỏi này đã được Victor Vargas Vargas, Tổng cục trưởng Tổng cục Hầm mỏ, giải thích: “Cấm bán sẽ đẻ ra nạn buôn lậu. 98% hoạt động hầm mỏ là khai thác vàng với phụ gia chủ yếu là thủy ngân. Những công ty khai thác vàng lớn không dùng thủy ngân để khai thác vàng mà dùng cyanide. Chỉ có các bãi vàng thủ công mới dùng thủy ngân”.


Hàng trăm tấn đất đá bị đào lên mỗi ngày và hàng tấn thủy ngân độc hại đã được dùng để đãi đất lấy vàng theo phương pháp thủ công. (Ảnh: AFP)

Giết rừng

Dan Collyns, phóng viên đài BBC, cho biết có bay trên cao mới thấy được mức độ rừng mưa nhiệt đới và môi trường ở miền Nam Amazon bị “vàng tặc” tàn phá như thế nào.

Cánh rừng có vẻ chạy dài hầu như bất tận thì bất chợt ngắt quãng bởi màu thô của đất và cát. Các dòng sông bị xé toạc ra hai bên và hàng ngàn hecta đất loang lổ những ao tù nước đọng nhiễm thủy ngân.

Theo nhà sinh học Ernesto Raez, Giám đốc Trung tâm Môi trường Bền vững thuộc Trường Đại học Cayetano Heredia ở thủ đô Lima, gần 200 km2 rừng mưa nhiệt đới trong tỉnh Madre de Dios đã biến mất do khai thác vàng lậu. Sự mất mát này là rất nghiêm trọng bởi vì Madre de Dios được xem là một trong những khu vực đa dạng sinh thái của thế giới. Ở đây có nhiều kỷ lục về giống bướm, chim, sinh vật lưỡng cư.

Ông Antonio Brack, Bộ trưởng Bộ Môi trường Peru, từng phát biểu trên đài BBC: “Nếu tôi, với tư cách là bộ trưởng môi trường, cho phép các nhà khai thác mỏ muốn làm gì thì làm thì trong vòng 20 năm nữa, Madre de Dios sẽ trở thành một thảm họa môi trường chưa từng thấy trong lịch sử loài người”.

Ông Brack đã từng kêu gọi chính phủ đóng cửa 80% mỏ vàng hợp pháp hoặc bất hợp pháp và cấm sử dụng máy nạo vét lòng sông và những thiết bị nặng khác để khai thác mỏ. Nhưng mỗi lần như vậy, ông vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các ông chủ mỏ và “vàng tặc” vì miếng cơm manh áo.

Nhưng trên thực tế, dẹp các mỏ vàng cho dù tạm thời là điều không thể. Sự nghèo đói và thiếu cơ hội làm ra tiền ở các vùng cao nguyên Peru đã buộc người dân miền núi đổ xô về các bãi vàng lậu để kiếm sống.

Paulino Chavez là công nhân khai thác mỏ có 7 người con. Mỗi ngày, ông kiếm được khoảng 8 USD. Ông thú thật: “Tôi biết rõ chúng tôi đang giết chết rừng. Mảnh đất này sẽ không bao giờ được trở lại như xưa. Nhưng cuộc sống của tôi ở đây dễ thở hơn ở làng tôi”.

Theo Người lao động
  • 1.370