Những "anh hùng xanh"

  •  
  • 198

Tạp chí Time (Mỹ) vừa bầu chọn 43 “anh hùng xanh” là những chiến sĩ đấu tranh vì một môi trường xanh, sạch. Đó là các nhân vật từ nhiều nước trên thế giới, bằng ngôn từ, hành động, những lá phiếu hay thậm chí là những tấm séc, đã góp phần đem lại tiếng nói đại diện cho Trái đất phản ánh những bất công do chính con người gây ra đối với ngôi nhà chung của tất cả chúng ta.

Ngài “xe ủi đất” bên con sông Cheonggyecheon (Ảnh: Time)

Time chia 43 anh hùng bảo vệ môi trường ra làm bốn nhóm: các nhà lãnh đạo và những người có tầm nhìn, các nhà hoạt động, các nhà khoa học và nhà cải cách, doanh nhân và những người có thế lực. Tuổi Trẻ xin giới thiệu một vài gương mặt nổi bật trong bốn nhóm.

Lee Myung Bak - xe ủi đất xanh

Trong quá khứ, người ta gọi ông là “xe ủi đất”. Là một lãnh đạo trẻ của Tập đoàn xây dựng Hyundai thời kỳ 1970-1980, Lee Myung Bak đã góp phần xây dựng đất nước Hàn Quốc sau chiến tranh thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển nhất thế giới.

Thế nhưng, tốc độ phát triển chóng mặt đã để lại những vết sẹo môi trường khó lành trên gương mặt đẹp của đất nước Hàn Quốc. Không đâu mà những vết thương lại trầm trọng như Seoul, một thành phố bụi bặm, ô nhiễm, và chật cứng người thời kỳ ông Lee chạy đua lên chiếc ghế thị trưởng vào năm 2002. Ông từng thú nhận: “Khi nền kinh tế Hàn Quốc đang phục hồi sau chiến tranh, có được những công viên là cả một sự xa xỉ”.

Ông Tulsi Tanti - chủ tịch Tập đoàn Suzlon Energy (Ảnh: Time)

Và ngài “xe ủi đất” theo đuổi chính sách xanh một cách quyết liệt. Ông khẳng định với người dân Seoul là sẽ phá bỏ hệ thống đường cao tốc trên cao chật cứng và phục hồi con sông Cheonggyecheon bị chôn vùi. Những đối thủ của ông cho rằng kế hoạch này sẽ tiêu tốn hàng tỉ USD và gây hỗn loạn giao thông. Nhưng người dân bầu ông lên chức thị trưởng. Và ba năm sau, sông Cheonggyecheon hồi sinh, trở thành lá phổi sinh thái quí giá làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Seoul. Với Lee Myung Bak, phát triển hoàn toàn có thể đi cùng với bảo vệ môi trường.

Vương Xáng Phát - người bảo vệ nạn nhân ô nhiễm

Bắc Kinh thông qua Luật bảo vệ môi trường vào năm 1979, nhưng từ đó đến nay môi trường Trung Quốc ngày càng ô nhiễm trầm trọng. “Khi nhắc đến Luật môi trường, nhiều quan chức địa phương ngẩn ngơ theo kiểu “đó là thứ luật gì vậy” - giáo sư Vương Xáng Phát, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân ô nhiễm tại Bắc Kinh, kể.

Trong suốt tám năm qua, trung tâm của ông Vương đã sử dụng tòa án để dạy cho các quan chức và doanh nhân thế nào là Luật môi trường. Các luật sư tình nguyện của trung tâm đã thực hiện vô số vụ kiện để giúp những người dân bị đảo lộn cuộc sống vì những sản phẩm gây ô nhiễm. Từ năm 1999, trung tâm đã gửi hơn 10.000 lá đơn, theo đuổi hơn 100 vụ kiện tại tòa với số nguyên đơn lên đến hơn 1.700 người.

Giáo sư Vương Xáng Phát 
(Ảnh: china.org.cn)

Trung tâm của ông Vương đã có được những chiến thắng hết sức quan trọng. Trong đó, phải kể đến vụ kiện buộc một nhà máy thép gây ô nhiễm tại Hà Bắc phải di dời, và vụ buộc một nhà máy hóa chất và một nhà máy thép tại Sơn Đông phải bồi thường 730.000 USD cho người dân địa phương vì xả nước thải độc hại làm chết cá nuôi.

Môi trường bị hủy hoại là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số vụ bạo lực tại nông thôn Trung Quốc. Nhưng ông Vương luôn phản đối bạo lực: “Khi chúng tôi thua kiện, chúng tôi kháng cáo. Chúng tôi luôn nghĩ đến những cách trong khuôn khổ pháp luật để giành chiến thắng”.

Nhóm thiết kế xe Toyota Prius - giảm khí thải ôtô

Năm 1993, một nhóm kỹ sư Hãng Toyota (Nhật) được giao nhiệm vụ quan trọng: thiết kế một chiếc ôtô xả ít khí thải gây ô nhiễm môi trường. Ban đầu, nhóm tính đến một chiếc xe sử dụng xăng cải tiến, nhưng ý tưởng đó lập tức bị bác bỏ vì không thật sự mang tính cách mạng. “Chúng tôi muốn thiết kế một sản phẩm chưa từng có” - kỹ sư Satoshi Ogiso, một thành viên trong nhóm, khẳng định.

Cuối cùng, nhóm quyết định thiết kế một chiếc xe hybrid (lai): sử dụng động cơ kết hợp xăng - điện, có tên Toyota Prius. Tuy nhiên, bắt tay vào làm bao giờ cũng khó hơn lên kế hoạch. Nhóm nghiên cứu mười người ban đầu phình ra con số hơn 1.000. Thách thức lớn nhất chính là bộ pin điện: quá nhỏ thì yếu, quá lớn lại dễ nóng. Năm 1995, phiên bản Prius đầu tiên ra mắt, và chỉ chạy được có 100m trước khi chết máy.

Đại diện nhóm thiết kế Toyota Prius (Ảnh: Time)

Phải đến năm 1997, thách thức đó mới bị chinh phục và những chiếc Prius đầu tiên xuất hiện tại Nhật. Từ đó đến nay, hơn 800.000 chiếc Prius đã được bán ra trên toàn thế giới, đem lại cho Toyota hình ảnh thân thiện với môi trường. Chiếc Prius đoạt rất nhiều giải thưởng danh giá: Xe của năm tại Nhật (1997-1998), Bắc Mỹ (2004), châu Âu (2005). Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đánh giá chiếc Prius đời 2007 là xe tiết kiệm nhiên liệu nhất tại Mỹ với mức tiêu hao nhiên liệu cả trong thành phố lẫn đường cao tốc chỉ có 5,11 lít/100 km.

Tulsi Tanti - kinh doanh xanh là kinh doanh tốt

Năm 1995, Tulsi Tanti còn là chủ Công ty dệt may Suzlon tại thành phố Pune (miền tây Ấn Độ). Do quá chán nản với hệ thống điện chập chờn tại địa phương, ông đã mua hai máy phát điện chạy bằng sức gió dù phải trả giá rất cao.

Đầu năm 2000, ông đọc một báo cáo về hiện tượng Trái đất ấm dần lên. Báo cáo dự đoán nhiều khu vực trên thế giới sẽ chìm xuống nước vào năm 2050 nếu tỉ lệ khí thải CO2 không giảm. “Nếu Ấn Độ tiêu thụ năng lượng nhiều như Mỹ, cả thế giới sẽ hết sạch tài nguyên tự nhiên - ông tự nhủ - Hoặc là ngăn Ấn Độ phát triển, hoặc tìm giải pháp thay thế”.

Một lần nữa Tanti lại đặt niềm tin vào gió trời. Năm 2001, ông từ bỏ ngành may mặc, chuyển hẳn sang sản xuất máy phát điện chạy bằng sức gió, một ngành kinh doanh còn khá mới mẻ tại Ấn Độ. Ngày nay, Suzlon Energy, tập đoàn của ông, đã trở thành nhà sản xuất máy phát điện chạy bằng sức gió lớn thứ tư thế giới với vô số nhà máy và trang trại khai thác năng lượng gió trên toàn châu Á và đạt doanh thu 850 triệu USD/năm.

“Kinh doanh xanh là kinh doanh tốt - Tanti khẳng định - Nhưng đó không chỉ là việc kiếm tiền. Đó là việc phải có trách nhiệm”. Phương châm kinh doanh của Tanti giản dị như vậy.

HIẾU TRUNG

Theo Tuổi trẻ
  • 198