Đầu tư 750.000 USD cứu Vườn Quốc gia Tràm Chim

  •  
  • 1.423

Mảng sinh cảnh đất ngập nước cuối cùng của Đồng bằng Sông Cửu Long, bãi đáp lớn nhất của sếu đầu đỏ tại Việt Nam vừa được Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã Thế giới và Công ty Cocacola lên dự án phục hồi.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, đại diện Quỹ bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam, cố vấn dự án cho biết, theo ký kết, số tiền 750.000 USD sẽ được Cocacola Việt Nam chi đều trong ba năm (từ nay đến hết năm 2011) nhằm sử dụng vào việc khắc phục mức độ suy giảm chất lượng nước và suy giảm tài nguyên đang ở mức báo động tại Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. 

Những thân tràm may mắn sống sót sau trận cháy cách đây 7 tháng. Ảnh: Thiên Chương.


Theo ông Thiện, vườn quốc gia Tràm Chim vốn có hệ sinh thái độc đáo với hơn 130 loài thực vật bản địa; 232 loài chim trong đó có 16 loài nằm trong danh mục Đỏ của IUCN (International Unicon for Conservation of Nature – Liên hiệp bảo tồn thiên nhiên); gần 150 loại cá nước ngọt, chiếm 33% tổng số loài cá nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, "mảnh đất vàng" này đã xuống cấp do chưa được đầu tư đúng hướng và công tác quản lý không phù hợp.

Việc chứa nước đề phòng cháy rừng theo quan niệm trước đây, theo ông Thiện, đã không mang lại hiệu quả mà còn giết chết hệ sinh thái vốn đã được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. "Chúng tôi sẽ cải tạo hệ thống kênh mương, tái lập nhịp thủy văn "có nước vào, có nước ra" nhằm khôi các loài thực vật có giá trị, trong đó cây năng, một loại thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ."

Dự án cũng sẽ tập trung vào việc khôi phục diện tích đồng cỏ, tiêu diệt Mai Dương, một loại cỏ dại đang xâm lấn mảng thực vật ở Tràm Chim. 

"Lúa ma" - loại lúa đặc sản do thiên nhiên ban tặng cho vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Thiên Chương.


Ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim, nhận xét, việc phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim còn giúp cải thiện chất lượng nước, khôi phục nguồn nước ngầm, điều tiết lũ và hạn hán cho khu vực hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười thông qua việc thu nước vào mùa lũ, xả nước dần vào mùa khô, bổ sung nước ngầm cục bộ tầng nông và khu vực ở tầng sâu, giảm hiện tượng nhiễm mặn tại hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long, giảm tác động của sự biến đổi khí hậu.

Sự hỗ trợ của dự án, còn cho phép Vườn quốc gia Tràm Chim tổ chức thí điểm các nhóm cộng đồng bảo vệ, xây dựng hệ sinh thái, mà thành viên những người dân nghèo ở địa phương với mức lương gần 2 triệu đồng mỗi tháng.

Theo VnExpress
  • 1.423