Giảm phát thải khí nhà kính bằng phương án lâm sinh

  •   4,52
  • 1.734

Sự nóng lên của khí hậu Trái Đất là nguyên nhân gia tăng nhanh chóng nồng độ khí nhà kính, bao gồm khí cácbonníc (CO2), mêtan (CH4) và khí nitơôxít (N2O).

Giảm phát thải khí nhà kính bằng phương án lâm sinh

Do đó, bên cạnh việc tăng cường trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cần phải hạn chế mất rừng và suy thoái rừng bởi thực vật hấp thụ CO2 trong quá trình sinh trưởng và phát triển làm giảm đáng kể nồng độ loại khí này.

Tiến sỹ Vũ Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sinh thái và môi trường-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển là sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 11 (COP11) các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu năm 2005. Sáng kiến này xuất phát từ thực tiễn tình trạng mất rừng và suy thoái rừng, chiếm khoảng 15-20% tổng lượng khí nhà kính do hoạt động của con người gây ra. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới tham gia thực hiện sáng kiến này.

Theo báo cáo phân tích chi phí giảm phát thải (MACC) trong lĩnh vực lâm nghiệp của Trung tâm nghiên cứu sinh thái môi trường, mất rừng và suy thoái rừng là nguồn gốc gây phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trung tâm đã đề xuất quy hoạch lại sử dụng đất để trồng rừng, phục hồi rừng đến năm 2020, nhằm tạo ra tiềm năng hấp thụ khoảng 40,2 triệu tấn CO2/năm với 9 phương án lâm sinh. Các phương án là trồng 500.000ha rừng keo luân kỳ 10 năm; trồng 500.000ha rừng keo luân kỳ 15 năm; trồng 300.000ha cây bản địa luân kỳ 40 năm; trồng 150.000ha rừng thông luân kỳ 45-50 năm; trồng 100.000ha rừng tràm luân kỳ 12 năm; trồng 200.000ha rừng cao su trên đất rừng nghèo kiệt luân kỳ 30 năm; trồng 2 triệu cây phân tán luân kỳ 15 năm; làm giàu 2 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên luân kỳ 20 năm và quản lý bền vững 400.000ha rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, luân kỳ 20 năm.

Ngoài lợi ích về giảm phát thải khí nhà kính, việc phục hồi và phát triển tài nguyên rừng còn mang lại lợi ích như điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, cung cấp bền vững các sản phẩm lâm sản nhất là gỗ, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Theo Vietnam+
  • 4,52
  • 1.734