Hùng “ozone” và đề án giải quyết vấn nạn nước đục ở TPHCM

  •  
  • 393

Đề tài nghiên cứu của KS Lê Quốc Hùng rất được quan tâm. Chính vì vậy, ngày 17-10, phóng viên Báo Người Lao Động cùng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và một số nhà doanh nghiệp, khoa học như GS-TS Trần Mạnh Trí, KS Lê Minh Liêm... đã đến Khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp (Q.12), Đức Huệ (Long An) - nơi có những công trình xử lý nước sạch của KS Lê Quốc Hùng, để tham quan quy trình xử lý nước sạch.

Ngày 18-10, tại địa chỉ 84, đường Đồng Đen, Q. Tân Bình - TPHCM, KS Hùng đã đưa ra những số liệu nghiên cứu về nguyên nhân nước máy của TPHCM bị đục và thực nghiệm tại chỗ quy trình xử lý nước đục.

Nguyên nhân làm nước đục

Kỹ sư Lê Quốc Hùng thực nghiệm dùng ozone để ôxy hóa nước nhiễm Fe và Mn

KS Hùng phân tích: Nguyên nhân chính làm cho nước máy ở TPHCM có màu nâu đỏ là do hiện tượng trầm lắng của cặn mangan (Mn) và sắt (Fe). Điều này những người làm công tác xử lý nước có độ thực tiễn đều biết.

KS Hùng giải thích: Chúng ta biết rằng tiêu chuẩn nước sinh hoạt và thậm chí tiêu chuẩn nước uống đóng chai của Việt Nam cũng cho phép Mn<0,5 mg/lít, Fe<0,5 mg/lít. Do đó khi thấy nước có hàm lượng Fe và Mn đạt tiêu chuẩn cho phép mà lầm tưởng là nước không có vấn đề. Nước chỉ cần chứa hàm lượng Fe>0,2 mg/lít và Mn>0,05 mg/lít đã làm cho nước có màu nâu đỏ khi để lâu ngoài không khí hoặc tiếp xúc với chlorine (chất có trong nước máy để diệt khuẩn).

Hiện nay mỗi ngày TPHCM cung cấp khoảng 1,2 triệu m3 nước, trong đó phần lớn là nước mặt (sông), phần nhỏ là nước ngầm (giếng khoan). Những nhà máy xử lý nước mặt thì không gặp phải vấn đề về Fe, Mn. Tuy nhiên, những nhà máy nước ngầm thì có. Theo KS Hùng, Công ty OBM của ông đã xử lý trường hợp này cho rất nhiều xí nghiệp.

Kết quả: Nước vẫn đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, khi cho chlorine vào để rửa thủy sản thì nước chuyển sang màu vàng hoặc giặt quần áo thì ngả vàng. Hiện Công ty OBM có công nghệ xử lý Mn tiên tiến nhất (không cần nâng độ pH như công nghệ truyền thống và công nghệ green sand-thuốc tím) giá thành đầu tư và chi phí vận hành cực rẻ.

Thực nghiệm cả trên 2 loại nước

Thực nghiệm của KS Lê Quốc Hùng được tiến hành vào ngày 18-10 bắt đầu từ 2 nguồn nước: một là nguồn nước máy TP đạt chuẩn; hai là nước máy ở những nơi bị vẩn đục, màu đỏ gạch. Đối với loại nước thứ nhất, KS Hùng cho đo và đã đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Sau đó, anh cho sục khí ozone vào thì nước lập tức chuyển sang màu đỏ.

Anh giải thích: nước máy TP, xử lý xong, châm chlorine để diệt khuẩn, để một thời gian, gặp không khí sẽ ôxy hóa và cho ra thành phần như vậy. Đối với loại nước đục, màu đỏ gạch, KS Hùng cũng cho qua khí ozone để kết tủa những thứ gây đục, sau đó cho lọc, nước hoàn toàn trong vắt; khi cho vào chất ôxy hóa cực mạnh nước cũng không hề bị đục lại.

Với thực nghiệm này, KS Hùng cho rằng mình đã bắt đúng mạch về nguyên nhân nước đục của TP và sẽ giải quyết được vấn nạn làm đau đầu các nhà chuyên môn suốt thời gian qua.

Kỹ sư Lê Quốc Hùng:  Tôi mong muốn trình diễn trước lãnh đạo TPHCM

Để bạn đọc có thể biết thêm về phương pháp giải quyết vấn nạn nước đục TPHCM, chúng tôi có cuộc trao đổi trực tiếp với KS Lê Quốc Hùng

. Phóng viên: Thưa anh, vì sao anh cho rằng chỉ cần 2 tỉ đồng có thể giải quyết được vấn nạn nước đục TP?

- KS Lê Quốc Hùng: Qua khảo sát, tôi phát hiện rằng chỉ có một nhà máy bị những nguyên nhân như đã nói, làm ảnh hưởng chung đến cả hệ thống. Tôi không thay đổi hệ thống xử lý nước đã có sẵn mà chỉ thêm vào hệ thống đó những thứ cần thiết. Vì vậy, tôi cho rằng với vấn đề nước đục chỉ cần 2 tỉ đồng là có thể giải quyết được.

. Vì sao giá rẻ đến vậy?

- Tôi muốn đem những gì mình nghiên cứu ra để thực nghiệm. Vì thế 2 tỉ đồng này không thể là tiền chất xám hay tiền công mà chỉ là tiền về thiết bị thôi.

. Tại sao anh khẳng định nồng độ Fe và Mn trong nước lại ảnh hưởng đến độ đục và mùi hôi của nước?

- Khi nước ở trong lòng đất (khoảng 25 - 45 m), nồng độ ôxy ở trong nước thấp, Fe và Mn sẽ hòa tan trong nước và không có màu. Nhưng khi nồng độ ôxy gia tăng, Fe, Mn sẽ bị ôxy hóa, kết tủa thành những hạt màu trắng, chuyển sang vàng rồi nâu đỏ (sét) và lắng xuống thành ống. Hạt sắt nào nhỏ quá sẽ trôi lơ lửng, làm cho nước có màu. Mn cũng bị ôxy hóa tương tự như sắt, nhưng hạt rỉ của nó màu đen. Còn mùi của nước là hydrogen sulfide, thường hiện diện ở nước có nồng độ Fe và Mn cao.

. Nhiều người cho rằng anh là người... vĩ cuồng khi đưa vấn đề có tính nhạy cảm này ra công luận?

- Tôi cũng nghe bạn bè tôi và một số người khác nói như vậy. Tôi mong muốn được chứng minh điều mình nói bằng việc thử nghiệm trước sự chứng kiến của lãnh đạo TP, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Sở Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học và tất cả những ai quan tâm. Tôi muốn được chất vấn về những gì mình nói. Nếu chúng ta làm được, tại sao chúng ta không làm?

. Thưa anh, anh từng nói, vấn đề nước đục chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm?

- Có rất nhiều người gọi điện thoại hỏi tôi (sau khi Báo Người Lao Động đăng tin), vì sao khi rất nhiều chuyên gia Việt Nam chưa tìm ra nguyên nhân nước đục mà tôi tuyên bố có thể giải quyết vấn đề vào khoảng 2 tỉ đồng. Câu trả lời của tôi là người ta đang tầm soát bệnh ung thư, còn tôi chữa bệnh sổ mũi cho người bệnh đang sổ mũi.

Hãy nhìn nhận chất lượng nước uống của TP một cách nghiêm túc. Thật sự nước máy bị đục chỉ là phần nổi của tảng băng, còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn luận một cách nghiêm túc. Theo tôi, TP nên lập một ủy ban kiểm soát và an ninh chất lượng nước máy và phải hoạt động độc lập với công ty cung cấp nước.

PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM:

Nếu cách làm đúng có thể không cần nhiều tiền

. Thưa PGS, ông nghĩ như thế nào về nguyên nhân và quy trình xử lý nước đục mà KS Hùng đã nêu?

- Trong nhiều nguyên nhân mà các nhà khoa học trong thời gian qua nghi ngờ đều có thể. Nguyên nhân mà KS Hùng đưa ra cũng cần được xem xét.

. Ông nghĩ gì về con số 2 tỉ đồng có thể giải quyết được vấn đề nước đục?

- 2 tỉ hay 10 tỉ không quan trọng, quan trọng là cách làm đúng. Nếu cách làm đúng thì có thể không cần nhiều tiền.

. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM có tạo điều kiện nếu KS Hùng muốn tham gia vào khắc phục sự cố nước đục không?

- Nếu KS Hùng muốn thì có thể đề xuất cách giải quyết lên Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi sẽ xem xét, nếu được sẽ đề xuất với Sawaco.

Ông Võ Quang Châu, Phó Giám đốc Sawaco:  Xin mời KS Hùng gặp tôi

Ông Châu cho rằng việc xử lý nước của Sawaco luôn đạt chuẩn của Bộ Y tế, Fe: 0,5 ppm, Mn: 0,5 ppm, thậm chí còn tốt hơn tiêu chuẩn cho phép. Hiện nay có 400 hệ thống hầm xả để súc xả nước. Nhưng nước vào nhà dân thì vẫn có thể đóng cặn. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi hạ tiêu chuẩn Fe và Mn xuống thì hiện tượng đục nước trên địa bàn TPHCM đã giảm đi đáng kể.

Ông Võ Quang Châu nói rằng: “Tôi không thể nói gì về đề án của KS Hùng. Tôi muốn có những chứng cứ và cách giải quyết cụ thể. Tôi rất vui và sẵn sàng hợp tác. Xin mời KS Hùng đến gặp tôi, làm việc với Sawaco”.

Ý kiến các nhà khoa học

. TS Trần Minh Chí, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường:

Nếu lượng Fe, Mn trong nước sau xử lý cao thì quy trình xử lý có vấn đề. Nếu chúng bị ôxy hóa thì tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, càng khó hòa tan và dễ gây đục. Sự giao thoa giữa các nguồn nước cũng cần được xem xét có phải là nguyên nhân của nước đục hay không. Vì nếu một nguồn nhiễm thì sẽ lan ra cả hệ thống. Còn việc liệu với 2 tỉ đồng có giải quyết được vấn nạn nước đục của TP hay không thì rất khó để nhận định. Tôi cho rằng vấn đề là ở phương pháp giải quyết như thế nào.

. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt:

Tôi thấy vấn đề nước đục của TP các nhà khoa học trong nước hoàn toàn có thể khắc phục được, nếu chúng ta (nhiều bên) chịu ngồi lại với nhau. Nếu khám bệnh mà không nhìn vào tổng thể người bệnh, không tiếp xúc với thực tế tổng thể của cơ thể thì sẽ rất khó. Thực ra, số liệu mà bên Sawaco cung cấp cho chúng tôi cũng chưa đầy đủ. Tôi tán thành đề xuất của KS Hùng, vì tôi nghĩ vấn đề nước đục của TPHCM rất giống với vấn đề nước đục tại Pháp năm 1972 và một số thành phố của các nước khác trước đó, mà họ đã giải quyết một cách dễ dàng.

Bài và ảnh: Mỹ Dung

Theo Người lao động
  • 393