Băng tan có thể gây động đất

  •  
  • 751

Khi các phiến băng tan chảy, chúng có thể giải thoát nguồn năng lượng nén chặt và gây ra những cơn động đất khủng khiếp. Hiện tượng Trái đất đang ấm lên có thể là nguyên nhân gây ra những trận động đất như thế và sẽ còn tiếp diễn nhiều hơn trong tương lai khi băng tiếp tục tan chảy trên toàn cầu.

Các nhà khoa học đã chỉ ra một loạt các trận động đất lớn đã rung chuyển vùng Bắc Âu, bán đảo Scandinavia cách đây khoảng 10.000 năm cùng với những đường nứt không hoạt động ngày nay. Thời gian của từng trận động đất trùng với quá trình tan chảy của những phiến băng dày từ thời đại băng hà cuối cùng ở những nơi này. Các nhà khoa học nghi ngờ sự tan chảy đã gây ra những trận động đất này bằng cách giải thoát những sức ép được tạo nên trên lớp vỏ trái đất.

Hiện nay, một công trình nghiên cứu mới lần đầu tiên sử dụng những mẫu máy tính phức tạp để mô phỏng tác động của tảng băng lên vỏ trái đất trong khu vực này. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Andrea Hampel thuộc Đại học Ruhr Bochum ở Đức, công trình này cho thấy những trận động đất “bị kìm hãm khi có băng và được thúc đẩy khi băng tan.”

Hampel và một cộng sự trước đó đã tìm được bằng chứng cho thấy sự hao hụt của một hồ rộng vào thời điểm cuối kỷ băng hà cuối cùng đã gây ra hàng loạt các trận động đất ở Utah. Công trình mới cho thấy điều này có thể xảy ra với những vết nứt vốn đã tĩnh lặng và không có khả năng trượt.

Công trình sẽ được đăng tải trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters.

Những trận động đất cổ làm rung chuyển Scandinavia.

Các trận động đất tiến dần lên phía bắc đi xuyên qua vùng Scandinavia khi các phiến băng rút dần về. Chúng bắt đầu từ miền nam, tức Thụy Điển ngày nay, cách đây 12.000 năm, sau đó tấn công vào trung-nam Thụy Điển gần Stockholm ngày nay cách đây khoảng 10.500 năm.

Cuối cùng các trận động đất tiến vào Lapland, bắc Scandinavia cách đây khoảng 9.000 năm. Dựa trên những khe nứt bị trượt ra, người ta phỏng đoán những trận động đất này khá lớn, ở mức 8 độ Richter – lớn hơn trận động đất từng tàn phá Kashmir vào năm 2005.

Sông băng Columbia của Alaska đang rút dần trong những năm gần đây. Khi các phiến băng tan chảy, chúng có thể thải ra nguồn năng lượng nén chặt và gây ra những cơn động đất khủng khiếp. Một công trình tách biệt trước đó phát hiện những trận động đất nhỏ càng ngày càng phổ biến ở Alaska vào mùa hè khi băng tan. (Ảnh: National Geographic)

Ngày nay, những khe nứt ở Scandinavia hiếm khi gây ra động đất. Nếu có, những trận rung chuyển này thường nhỏ hơn 5 độ. Hampel cho biết: “Với kỹ thuật mới chúng tôi có thể mô phỏng những vết nứt và so sánh trực tiếp cú trượt trên mô hình với cú trượt thật trong tự nhiên."

Mô hình này cho thấy lớp băng dày có thể đè nén phần đất liền, ngăn không cho một khe nứt trượt đi và gây ra sự tích trữ năng lượng. Lớp băng mô phỏng càng dày – từ 100 đến 2.000m – thì nó càng kìm hãm những trận động đất và trận động đât càng dữ dội sau khi những tảng băng tan đi.

“Lượng chuyển động trên vết nứt trong mô hình phù hợp với mức độ của vết trượt đo được trên thực tế, điều này ủng hộ cho giả thiết là sự tan băng đã gây ra các trận động đất”, Hampel cho biết.

Nóng lên toàn cầu gây ra động đất?

Những trận động đất như thế không chỉ là chuyện quá khứ mà có thể xảy ra ngày nay khi mà sự nóng lên toàn cầu đang làm tan băng trên khắp thế giới.

Hampel và cộng sự viết trong công trình của mình: “Tần suất động đất sẽ tăng trong tương lai nếu băng tiếp tục tan. Các cơn địa chấn hiện tại ở đảo Greenland và Nam Cực có mức độ thấp, có thể là nhờ sự hiện diện của các tảng băng khồng lồ.”

Jeanne Sauber thuộc Trung tâm hàng không Goddard của NASA, Greenbelt, Maryland đã chỉ huy công trình chứng minh những vụ động đất gia tăng ở Alaska khi băng tan nhiều nhất. Hoàn toàn bất ngờ, trong khoảng từ năm 2002 đến 2006, nhiệt độ ấm hơn và nhiều băng tan hơn.

Thậm chí nếu độ dày băng chỉ giảm đi 10% hoặc ít hơn, điều này rõ ràng cũng đủ để gây ra những trận động đất nhỏ vào mùa hè khi băng tan ra. Rất khó để quan sát được những trận động đất lớn vì chúng không xảy ra thường xuyên.

“Chúng tôi hy vọng rằng nếu băng bắt đầu tan nhanh ở Greenland và Nam Cực, chúng tôi có thể quan sát được ít nhất là một vài trận động đất nhỏ.”

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 751