Bão đạt cường độ cực đại, đang đánh thẳng vào miền

  •  
  • 405

Tại các tỉnh Đà Nẵng, TT Huế, Quảng Nam, lệnh giới nghiêm đã được đưa ra, người dân và các phương tiện giao thông không được di chuyển đi lại. Điện đã bị mất hoàn toàn, nhiều tuyến đường giao thông đã bị cô lập.

Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam gần như bị cô lập

Bão đổ bộ vào địa phận các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam sớm hơn dự kiến với vùng tâm bão mạnh cấp 13. Đúng 3 năm sau khi Đà Nẵng phải chịu cơn bão Xangsane, thành phố ven sông Hàn này phải chiụ một trận bão cực mạnh khác.

Sáng 29/9, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó trưởng ban PCLB Đà Nẵng cho biết, bão số 9 đang đổ bộ vào Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 11,12m, mặc dù tâm bão còn cách đất liền 30 km. Dự kiến đến trưa nay, bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng với sức gió cấp 13, 14, giật cấp 15,16.

Hiện tại, Trung tâm PCLB Miền trung-Tây Nguyên đang họp khẩn tại Đà Nẵng cũng xác định, dự kiến từ trưa đến chiều nay, bão cũng đổ bộ vào Đà Nẵng. 

Hướng di chuyển của bão số 9 (Ảnh: TTDBKTTVTƯ)

Trong suốt đêm qua (28/9), thành phố Đà Nẵng cũng phải chịu đựng những cơn gió giật khủng khiếp, đến sáng nay thì cây cối khắp nơi đã bị ngã đổ, mái tôn bay khắp đường phố. Hiện gió bão vẫn tiếp tục mạnh lên...

Hiện lệnh cấm di chuyển đã được ban hành tại Đà Nẵng, kể cả xe ô tô, ngoại trừ các loại xe đặc chủng của các lực lượng chức năng làm công tác cứu nạn cứu hộ. Nhiều thông tin dự báo, đến trưa nay, khi tâm bão đổ bộ vào Đà Nẵng, sẽ xảy ra tình trạng gió giật ngược, và đó mới là thời điểm nguy hiểm nhất.

Kinh nghiệm từ cơn bão Xangsane cho thấy, sau khi tâm bão đổ bộ vào đất liền, trời trở nên yên ắng khiến nhiều người chủ quan...

Cùng với bão, lụt trên các sông đang lên nhanh kết hợp với triều cường kiến hàng loạt địa phương tại Đà Nẵng bị ngập nặng. Dự báo, đến trưa nay, mức lũ trên các sông sẽ ở mức trên báo động 3 là 1 m.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Ban Phòng chống luạt bão Đà Nẵng chưa nhận được thông tin thiệt hại từ các địa phương, do gần như toàn bộ thành phố bị tê liệt vì mất điện từ đêm qua tới giờ.

Ông Hoàng Nam Thắng, Trưởng phòng điều độ, Công ty điện lực Đà Nẵng cho biết, hiện lưới điện 110 kv ở An Đồn, Ngũ Hành Sơn... đã bị mất khiến gần như toàn thành phố mất điện. Trước tình trạng này, Điện lực Đà Nẵng chỉ cố gắng duy trì cho một số cơ quan xung yếu, làm nhiệm vụ chống lụt bão.

Tương tự, tại TP Huế nhiều tuyến đường đã bị ngập sâu, nhiều địa bàn đã mất điện hoàn toàn từ đêm qua. Cây xanh, mái tôn ngã đổ và bay khắp nơi. PV VietNamNet tại TP Huế báo về cho biết, hiện các hãng taxi đang không thể hoạt động để tránh nguy hiểm, nhiều tuyến đường bị cấm lưu thông. Một trong những khu vực bị nặng nhất là Thuận An đang được các cơ quan chức năng chỉ đạo tiếp tục di tán dân, cứu người.

Bão số 9 đang đạt cường độ cực đại

Hồi 4h sáng nay (29/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15 và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ. 

Gió mạnh đánh te tua ngôi trường tiểu học mới xây.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Như vậy khoảng trưa và chiều nay (29/9) vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam.

Đến 4h sáng mai (30/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc, 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 4h sáng ngày 1/10, vị trí tâm trung tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc, 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.

Theo báo cáo sơ bộ của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, mưa lớn kèm gió giật bắt đầu xuất hiện từ tối qua tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Nam Trung bộ. Nước các sông đang lên nhanh, khoảng trên 200.000 người dân tại các vùng xung yếu đã được di dời đến nơi an toàn.

Quảng Trị bắt đầu chịu ảnh hưởng

Tại Quảng Trị, gió bắt đầu mạnh lên, ngay trên đất liền đã lên đến cấp 8. Từ 17h ngày 28/9, bão số 9 đã ảnh hưởng đến Quảng Trị và bước đầu đã gây thiệt hại tại địa phương. Lúc 3h30 rạng sáng ngày 28/9, gió lốc cường độ mạnh và kèm theo mưa lớn bất ngờ quét qua địa bàn các xã Hải Quế, Hải Xuân, Hải Ba, Hải An, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã làm 92 nhà dân bị tốc mái và một người bị thương nặng. 

Tại xã Hải Quế, 81 ngôi nhà bị tốc mái, ngôi trường mầm non của xã vừa đưa vào sử dụng đưa chưa đầy một tháng cũng bị tốc mái hoàn toàn. Một số vật dụng, trang thiết bị và đồ dùng dạy học tại ngôi trường này bị lốc xoáy thổi tung.

Tại xã thôn Phú Xuân 1-xã Hải Xuân cùng thời gian trên lốc xoáy cũng cũng làm tốc mái 11 nhà dân.

Trong chiều 28/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã bất ngờ ghé thăm tỉnh Quảng Trị trong một thời gian ngắn và tiếp tục hành trình vào Thừa Thiên Huế.  

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Kom Tum có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m. Ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận – Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Theo Cẩm Quyên - Thành Nhân (Vietnamnet)
  • 405