Tảng băng trôi lớn nhất thế giới bị vỡ do một cơn bão

  •  
  • 1.835

Cuối tháng 10/2005, tảng băng trôi từng được xem là lớn nhất Trái Đất từ nhiều năm nay đã bị vỡ ngoài khơi Cape Adare ở Nam cực. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters, cơn bão mạnh làm rung chuyển Vịnh Alaska 6 ngày trước đó, ở khoảng cách 13.400km về phía Bắc, đã làm vỡ tảng băng khổng lồ này.

Nhóm nghiên cứu do các giáo sư MacAyeal (Đại học Chicago) và Emile Okal (Đại học Northwestern) dẫn đầu đã đặt những địa chấn kế trên tảng băng trôi B15A và đảo băng Ross nhằm nghiên cứu những âm thanh phát ra từ các tảng băng trôi tần số thấp, được gọi là “tiếng hát của tảng băng trôi”.

Ảnh chụp vệ tinh của tảng băng trôi B15A bị vỡ (Nguồn: physorg)

Ngày 27/10/2005, tảng băng trôi B15A với diện tích 2.500km2, đã bị vỡ làm nhiều mảnh. Đây cũng là khối băng to nhất của tảng băng trôi B-15 đã tách khỏi đảo băng Ross vào tháng 3/2000.

Các biểu đồ ghi của các địa chấn kế tiết lộ rằng những chuyển động của tảng băng trôi đã bắt đầu xuất hiện 12 tiếng trước khi bị vỡ. Nó dao động khoảng 1,25cm từ trên xuống dưới và khoảng 10cm từ phải sang trái. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ một cơn sóng lừng ở đại dương là nguyên nhân gây hiện tượng này.

Khi tìm hiểu nguồn gốc của cơn sóng lừng ở đại dượng, giáo sư Okal và các cộng sự đã tỏ ra bất ngờ vì họ phát hiện rằng tại Alaska, một cơn bão đã làm nổi dậy những cơn sóng cao 10m vào cuối tháng 10/2006. Hai ngày sau, những cơn sóng cao 4 đến 5m được ghi nhận bởi những thiết bị thăm dò ở Hawaii. Ba ngày sau, một địa chấn kế đặt tại Pitcain ở Nam Thái Bình Dương cũng đã ghi nhận dấu vết của cơn sóng lừng đi qua.

Cuối cùng, sau chuyến hành trình kéo dài 6 ngày xuyên Thái Bình Dương, cơn sóng lừng đã làm vỡ tảng băng trôi B15A bị trôi giạt ngoài khơi Cape Adare sau khi va vào lưỡi băng Drygalski.

Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu tác động của cơn sóng thần tháng 12/2004 ngoài khơi Sumatra đối với tảng băng trôi B15A.

Theo Sciences & Avenir, Đài truyền hình TP HCM
  • 1.835