Khu Bàu Sấu được công nhận là vùng đất ngập nước

  •  
  • 1.669

Ban Thư ký Công ước Ramsar tại Thụy Sĩ đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu (vườn quốc gia Cát Tiên) có tầm quan trọng quốc tế thứ 1499 của thế giới theo danh sách Ramsar đồng thời là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam.

Vùng đất ngập nước Bàu Sấu (Vườn Quốc gia Cát Tiên)

Vùng đất ngập nước Bàu Sấu và các vùng đất ngập nước theo mùa của vườn quốc gia Cát Tiên (gọi tắt là hệ đất ngập nước Bàu Sấu) có diện tích 13.759ha, bao gồm 5.360ha đất ngập nước theo mùa và 151ha đất ngập nước quanh năm. Còn lại là các diện tích thấp hơn 115m so với mặt nước biển. Toàn bộ hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm ở vị trí trung tâm khu Nam Cát Tiên, vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).

Hệ đất ngập nước Bàu Sấu được công nhận vào danh sách Ramsar càng khẳng định giá trị và ý nghĩa của công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục phát huy các thành quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng, phát huy các lợi ích về bảo vệ môi trường, về khoa học, gắn liền với các lợi ích về kinh tế, văn hoá và xã hội.

Công ước Ramsar là "công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước" được ký ngày 2-2-1971 tại thành phố Ramsar của Iran. Việt Nam đã ký gia nhập Công ước vào năm 1989, là thành viên thứ 50, đồng thời là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước này.

Theo VietNamNet
  • 1.669