Chăm sóc xoài, bưởi, quýt cho thị trường Tết

  •   2,33
  • 3.303

Với sự tham gia:

  • TS. Trần Văn Hâu – Bộ môn Khoa học cây, Khoa NN & SHƯD, Đại học Cần Thơ. 
  • ThS. Bùi Thanh Liêm – Trưởng Phòng Kinh tế, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
  • KS. Tiêu Minh Tâm – Trưởng Phòng Chuyển giao kỹ thuật, Công ty CP BVTV An Giang – Đại diện cho đơn vị phối hợp thực hiện chương trình.

Hỏi: Trong bối cảnh nước ta vừa gia nhập WTO, thì việc sản xuất trái cây cho thị trường tết năm nay có những cơ hội và thách thức gì? Muốn cho trái cây đứng vững ở thị trường trong và ngoài nước, nhà vườn ĐBSCL cần lưu ý những vấn đề gì?

* Đáp (TS. Trần Văn Hâu): Khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới thì sẽ có nhiều cơ hội và cả thách thức. Cơ hội lớn nhất đó là thị trường xuất khẩu các nước mở ra sẽ thúc đẩy việc sản xuất phát triển mạnh lên. Tuy nhiên, sức cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn không những ở thị trường xuất khẩu mà cả thị trường trong nước, đó là một thách thức không nhỏ. Thực trạng sản xuất cây ăn trái của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, nên tiềm lực kém trong khi phải cạnh tranh với những nước có trình độ kỹ thuật, có nền sản xuất rất lâu đời và tiềm lực rất lớn.

(Ảnh: Flickr)Để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản nói chung và cây ăn trái nói riêng, cần có sự tham gia của 4 nhà và Nhà nước phải có qui hoạch những vùng sản xuất cụ thể để có sản lượng hàng hóa lớn đủ xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện nay, nước ta cũng có những vùng chuyên canh, nhưng chỉ sản xuất nhỏ lẻ, nên muốn có sản lượng lớn cần liên kêt nông dân lại với nhau thành những tổ sản xuất hay hợp tác xã. Về việc lưu thông hàng hóa, tập quán của bà con thường bán nông sản qua rất nhiều trung gian làm cho giá thành tăng lên rất cao, sản phẩm bị hao hụt nhiều, mất đi lợi thế cạnh tranh. Trong thời gian tới khâu này cần phải cải tiến, phải có những doanh nghiệp đứng ra thu mua hoặc người nông dân phải tìm cách tiếp cận với thị trường, để đưa sản phẩm mình làm ra tới tay người tiêu dùng, thì mới giảm được giá thành và hiểu được nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất thích ứng. Cần phải quan tâm đến vấn đề bảo quản, tồn trữ trái sau thu hoạch để giảm tỷ lệ thất thoát, có được hàng hóa đạt tiêu chuẩn về chất lượng và cả mẫu mã, có thể tồn trữ lâu để vận chuyển đi xa hơn.

Ngoài ra, người nông dân cũng phải sản xuất ra hàng hóa với giá thành hạ và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn mới có thể cạnh tranh được với trái cây các nước khác. Trước khi có những qui trình cụ thể sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, thì bà con phải tuân thủ các qui định về sử dụng phân bón và hóa chất trong sản xuất. Được biết, hiện nay hợp tác xã Thanh Long ở Bình Thuận đã được công nhận là sản phẩm sạch, tin rằng các loại trái cây khác ở ĐBSCL khi đã có thương hiệu thì tiến tới việc được công nhận như thế là hoàn toàn có thể làm được và nhờ đó khả năng cạnh tranh sẽ tốt hơn.

Giá bán nông sản hiện nay ở nước ta cao nhất trong khu vực, nên rất khó cạnh tranh với trái cây ngoại nhập. Bà con cần quan tâm vấn đề sử dụng phân bón hợp lý, tránh thất thoát; không nên lạm dụng các loại phân bón lá vì căn bản thì cây trồng vẫn hấp thu phân qua đường rễ, do đó bón phân vẫn là chính, còn trường hợp cần thiết lắm mới sử dụng phân bón lá, vì giá thành phân bón lá thường cao. Việc sử dụng phân bón lá đôi khi còn có những tác dụng ngược, nếu phân có chứa nhiều đạm sẽ thúc đẩy các loại bệnh phát triển và gây hại nhiều hơn, tốn thêm tiền sử dụng thuốc. Bà con cũng nên lưu ý sử dụng hóa chất theo 4 đúng, đảm bảo sản phẩm an toàn, đạt hiệu quả. Đặc biệt, trong dịp Tết thường đòi hỏi các loại trái cây có mẫu mã đẹp thì vấn đề xử lý tiền thu hoạch là rất cần thiết, để trái không bị sâu bệnh và tồn trữ được lâu.

Hỏi: Sau cơn bão số 9, vườn xoài, bưởi đang cho trái bị hư hỏng nặng, xin hướng dẫn cách phục hồi?

* Đáp (ThS Bùi Thanh Liêm): ĐBSCL vừa trải qua sự tàn phá của cơn bão số 9, một số vườn cây ăn trái bị thiệt hại rất nặng và làm giảm đáng kể sản lượng trái cây vào mùa Tết năm nay. Cây ăn trái là những loại cây có tàn lá lớn, chịu sự tác động trực tiếp của gió bão. Cây có 2 bộ phân chính: rễ làm nhiệm vụ lấy nước và phân bón để nuôi thân, lá và khi nhận dinh dưỡng từ rễ thì lá sẽ quang hợp tạo thức ăn nuôi trái. Như vậy trái có chất lượng, có tốt hay không do bộ lá cây có tốt hay không. Thường gió bão sẽ tác động trực tiếp lên lá cây, làm cho cành lá bị dập và gốc cây lay chuyển. Qua cơn bão số 9 rất nhiều vườn cây măng cụt ở Bến Tre đã trồng trên 20 năm bị trốc gốc; nhiều vườn sầu riêng bị rụng trái, gãy nhánh và những vườn cây có múi bị rụng la liệt, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhà vườn. Ngoài ra, những tác động gián tiếp do gió bão gây ra còn tồn lại đó là cho dù những trái không rụng, nhưng cành mang trái cũng bị vặn vẹo và rễ cây bị lay, thì sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến vụ trái kế tiếp.

Để khắc phục những vườn cây còn lại, trước mắt bà con nên cắt bỏ cành lá để giảm bớt tiêu hao năng lượng mà rễ cây chưa thể hấp thu bình thường như trước được. Nên đảm bảo nước tưới thường xuyên nhất là mùa khô. Đối với những cây còn trái thì có thể cung cấp phân bón qua lá vì bộ rễ cây đã yếu khó hút phân bên dưới được.

Đối với các vườn cây khác, để chuẩn bị thu hoạch vào mùa Tết, ngay bây giờ có thể tiến hành chăm sóc bộ rễ, bón phân thích hợp. Bà con cũng cần lưu ý phòng trừ sâu bệnh để không ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và cả mẫu mã trái. Không nên bón phân trong giai đoạn này nhiều quá, nhất là phân đạm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái. Để trái cây thu hoạch vào đúng dịp tết thì bà con có thể tác động các giải pháp kỹ thuật theo 2 nguyên lý: nếu trái chín sớm muốn kéo dài thời gian chín của trái phải tưới cho vườn đủ ẩm và bón phân hợp lý, phun thêm GA3 cộng với phân bón lá sẽ giúp kéo dài thời gian chín của trái. Còn nếu muốn rút ngắn thời gian chín của trái để kịp bán, có thể rút nước trong vườn, giảm nước tưới và tăng cường bón phân kali giúp cho màu sắc trái đẹp (phun MKP hoặc phân bón lá có nhiều kali).

Hỏi: Xoài đang mang trái, thúc phân và thả nước ngập vườn đến 10 ngày sau thì trái bị rụng, xin hỏi do bị sốc phân hay do nước? Vườn xoài bị ngập trong mùa mưa làm cây kém phát triển, cách khắc phục như thế nào?

* Đáp (TS. Trần Văn Hâu): Việc bón phân và thả nước trong 10 ngày trái xoài bị rụng là do ngập nước chứ không phải sốc phân. Khi cây bị ngập nước thì sự sinh trưởng của chồi, thân bị giảm; sự hấp thu và vận chuyển khí kém. Theo một số kết quả nghiên cứu, chỉ cần cây xoài bị ngập khoảng 2-3 ngày thì sự vận chuyển khí đã giảm, nếu ngập trên 10 ngày phải mất đến 44 ngày sau cây mới phục hồi hoạt động bình thường trở lại. Cây xoài nếu cho ngập nước cũng là cách làm giảm sinh trưởng và thúc đẩy cây ra hoa, nhưng ở đây là giai đoạn cây đang mang trái nên trái bị rụng.

Vườn xoài bị ngập trong mùa mưa thì nên đánh rãnh thoát nước trong vườn và chăm sóc cho phù hợp theo từng giai đoạn. Chỉ khi bộ rễ cây tốt, thông thoáng mới hấp thu được phân bón. Đối với cây chưa mang trái, có thể bón phân như sau: quan sát khi cây ra đọt già thì bón phân vào đất với phân NPK 20-20-15 và thêm 1 ít đạm; khi cây ra đọt non nếu thấy đọt nhỏ, yếu có thể cung cấp thêm phân bón lá. Đối với cây đã mang trái thì bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng:

- Thời kỳ sau thu hoạch: bón phân NPK giống như đối với cây chưa mang trái.

- Khi cây ra đọt chuyển sang giai đoạn sinh trưởng chuẩn bị thời kỳ ra hoa thì phải bón phân thúc cho quá trình ra hoa, bón phân có hàm lượng lân cao như NPK 12-24-12 hay phân chuyên dùng AT2.

- Sau khi kích thích ra hoa: bón phân thúc cho cây ra hoa thì có thể sử dụng NPK 20-20-25 hoặc 16-16-8…

- Khi trái khoảng 1 tháng: bón thúc nuôi trái với loại phân chuyên dùng như AT3 hoặc có thể bón NPK kết hợp với clorua kali tỷ lệ 1: 1 hoặc 2:1.

Trong quá trình chăm sóc cũng cần quan tâm đến vấn đề dịch hại khi cây ra đọt, ra bông, ra trái; sử dụng thuốc BVTV hợp lý để đảm bảo năng suất.

Hỏi: Khi lá bị bệnh, trái bị ghẻ nếu dùng nước rửa toàn cây sẽ làm lây lan mầm bệnh có đúng không? Cách phòng trị bệnh ghẻ trên cam quýt?

* Đáp (ThS Bùi Thanh Liêm): Bệnh ghẻ trên cây có múi thường xảy ra rất phổ biến trong mùa mưa, nếu không phòng trị tích cực thì rất khó hết. Bệnh này do nấm gây ra và thường tấn công gây hại trên trái non, lá non làm cho lá quăn queo, trái sẽ có da sần sùi khó bán. Phòng trị bệnh này phải tiến hành rất sớm và có thể sử dụng các loại thuốc gốc đồng để phun trị. Bệnh rất dễ tái phát nên phải phun kỹ với lượng nước nhiều và phun lặp lại nhiều lần; có thể pha thuốc chung với chất bám dính. Tưới nước trên cây đang bị bệnh là một trong những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và lây lan. (Ảnh: Flickr)

Hỏi: Muốn kéo dài thời kỳ giữ trái trên cây cam để chờ giá thì phải làm thế nào? Cam đến khi thu hoạch thì gặp mưa nhiều ngày, sau đó nắng lại thì trái bị rụng, hướng dẫn cách khắc phục?

* Đáp (TS Trần Văn Hâu): Để neo trái thì bà con cần áp dụng nhiều biện pháp: tưới nước đủ ẩm, bón thêm phân đạm hay có thể phun thêm thuốc 2,4D với nồng độ 20ppm kết hợp với GA3 cũng với nồng độ 20ppm và phân clorua kali 0,2%. Cần lưu ý đảm bảo nồng độ khuyến cáo vì đối với 2,4D nếu liều lượng cao hơn sẽ trở thành chất diệt cỏ và làm trái rụng.

Để pha các chất này với nồng độ thấp như vậy thì hơi khó với bà con nông dân, vì không có dụng cụ cân đo chính xác. Do đó, bà con có thể pha làm 2 lần: lần đầu pha thành dung dịch mẹ với lượng nhiều, sau đó từ dung dịch mẹ pha loãng ra dung dịch với nồng độ cần dùng thì sẽ chính xác hơn. Ví dụ: cân 1g hóa chất pha trong 1 lít nước sẽ có nồng độ 1 phần ngàn, muốn có 20ppm tức là 20 phần triệu thì sẽ pha loãng ra 50 lần nữa.

Việc neo trái sẽ làm cho cây bị suy kiệt và ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu trái ở vụ sau. Khi neo trái khoảng 1-2 tháng thì sau đó bà con phải tích cực chăm sóc bằng cách kích thích cho cây ra đọt trở lại, có thể là 1 hoặc 2 đợt đọt tùy theo mức độ suy kiệt của cây. Sau khi thu hoạch xong tiến hành cắt bỏ những cành khô, cành mang trái bị suy kiệt, cành bị sâu bệnh… và bón phân với lượng đạm cao hơn như NPK 16-16-8 hay NPK 20-20-15 kết hợp với một lượng urê nhất định để thúc đẩy cây ra đọt. Cần lưu ý tưới nước đầy đủ và phòng trừ sâu bệnh khi cây ra đọt non.

Trong điều kiện mưa liên tục, nhất là những vườn không thoát nước tốt thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bộ rễ cây làm cho trái rụng. Nên tạo cho môi trường rễ hoạt động thông thoáng, về lâu dài nên bón phân hữu cơ cho đất tơi xốp và đánh rãnh thoát nước trong mùa mưa.

Hỏi: Làm thế nào để trái xoài không tồn trữ thuốc BVTV, đạt năng suất và mẫu mã đẹp? Bao trái có được không? Thời gian bao trái bao lâu để đảm bảo an toàn và cách thực hiện như thế nào? Loại bao trái nào rẻ nhất hiện nay và bán ở đâu? Trái quýt hồng đã lên màu thì cần chú ý dịch hại gì để bảo vệ trái tốt?

* Đáp (ThS. Bùi Thanh Liêm): Theo tiêu chuẩn bây giờ thì nông sản đưa ra thị trường phải đảm bảo độ an toàn mới có thể cạnh tranh được. An toàn có nghĩa là trái cây không có dư lượng thuốc BVTV, không có hàm lượng nitrat cao, trái phải sạch, đẹp và không có vi sinh vật gây hại lưu tồn. Để sản xuất trái cây an toàn thì phải giảm lượng đạm nhất là lúc trái lớn, giảm lượng thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly qui định và quan tâm đến việc xử lý tiền thu hoạch để diệt nấm bệnh trên vỏ trái.

Việc bao trái sẽ ngăn chặn được 1 số đối tượng dịch hại, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV và bảo vệ được vỏ trái, đảm bảo mẫu mã đẹp. Tiến hành bao trái khi giai đoạn cây hết rụng trái sinh lý, tức là sau khi đậu trái khoảng 30-45 ngày. Cần chú ý trước khi bao trái nên cắt tỉa những trái xấu và xử lý thuốc BVTV để trừ dịch hại. Chỉ bao từ 1-2 trái/bao, không nên bao cả chùm. Trên thị trường hiện nay có 4 loại bao trái: loại dễ tìm nhưng chất lượng kém là bao giấy dầu, loại này sử dụng trong điều kiện nắng sẽ tốt, nhưng nếu gặp mưa nhiều sẽ dễ bị mục rách; loại bao bằng vải cotton có thể bao nhiều lần nhưng mẫu mã trái không được đẹp lắm; loại bao bằng giấy keo mỏng rất thích hợp đảm bảo được mẫu mã(Ảnh: Flickr) trái và hiện nay có nhiều đơn vị sản xuất bao này; loại bao rẻ nhất hiện nay đó là bao ni-lông nhưng thực hiện thao tác bao thường khó và trời gió nhiều có thể bị tuột. Theo tôi, nếu tính toán giá 300-400đ/bao giấy keo mỏng thì vẫn có thể sử dụng để bao trái xoài tốt mà không tốn kém lắm hoặc có thể dùng bao ni-lông nhưng phải có thao tác khéo.

Trái quýt đã chuyển màu bên ngoài, thì bên trong cũng đã chuyển hóa tạo nhiều chất đường và có mùi thơm, chính mùi thơm này sẽ hấp thu côn trùng đến chích hút. Trong giai đoạn này nấm bệnh rất ít tấn công, chỉ có ngài đục trái chích hút làm trái rụng. Đối tượng này hoạt động nhiều vào ban đêm và không nên phun thuốc lên trái, mà nên làm bẫy để dẫn dụ chúng: dùng trái cây chín như chuối hay cam quýt cắt ra và tẩm vào một số loại thuốc trừ sâu ít mùi hôi rồi treo trong vườn, khi ngài đục trái bị hấp dẫn bởi mùi trái chín đến bẫy thì sẽ bị trúng thuốc và chết.

Hỏi: Theo số liệu thống kê thì tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trái cây từ 20-30%, vậy nhà vườn cần làm gì để giảm bớt tỷ lệ thất thoát này?

* Đáp (TS. Trần Văn Hâu): Vấn đề thất thoát sau thu hoạch thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sản lượng trái cây. Nguyên nhân dẫn đến thất thoát sau thu hoạch chủ yếu là do nấm bệnh gây hại: trên xoài nếu không được xử lý tiền thu hoạch thì bệnh thán thư sẽ làm trái bị hư khi chuyên chở hoặc dú chín; trên cây có múi cũng có nhiều nấm bệnh gây hại sau khi thu hoạch trái. Để giảm thất thoát do bệnh gây hại thì nhà vườn cần xử lý tiền thu hoạch: phun thuốc ngừa bệnh thán thư trên xoài hoặc đối với những bệnh xâm nhiễm sau quá trình thu hoạch phải có những biện pháp xử lý, như xử lý nước ấm hay sục ôzôn… Ngoài ra, thất thoát sau thu hoạch nếu tồn trữ lâu, trái hô hấp nhiều sẽ bị hư hoặc mất trọng lượng. Để khắc phục thì có thể dùng các loại bao hoặc dùng hỗn hợp các loại khí khác nhau để giảm đi sự hô hấp của trái sau thu hoạch giúp kéo dài thời gian bảo quản.

Theo Ban Thư ký Nhịp Cầu Nhà Nông, Báo Cần Thơ
  • 2,33
  • 3.303