An Giang đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

  •  
  • 4.303

Là tỉnh sản xuất lúa hàng đầu tại ĐBSCL, hàng năm diện tích sản xuất lúa của An Giang lên đến trên 530.000 ha và sản lượng đạt trên 3 triệu tấn lúa. Để sản xuất nông nghiệp bảo đảm tính bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao, An Giang đang đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Năng động, mạnh dạn

Với diện tích lúa đứng đầu khu vực, hàng năm, nông dân An Giang cung cấp ra thị trường hàng triệu tấn lúa hàng hóa, góp phần không nhỏ vào kế hoạch xuất khẩu gạo của cả nước. Trước bước tiến mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật cùng với những thách thức của dịch hại, nhiều nông dân An Giang bắt đầu chuyển hướng, chọn giải pháp tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế. Sau nhiều năm triển khai, chương trình 3 tăng 3 giảm và gần đây là tưới tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất lúa bình quân đã tăng từ 6,5 tấn/ha lên gần 7 tấn/ha.

Giờ đây, chuyện nông dân An Giang đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa... không còn là chuyện hiếm. Mới đây, ông Nguyễn Lợi Đức, nông dân xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, mua máy trang phẳng đồng ruộng bằng tia laser trị giá 130 triệu đồng làm nhiều người phải giật mình. Máy gồm hệ thống phát và nhận tín hiệu, giúp cho giàn máy xới đặt sau máy cày di chuyển để đồng ruộng phẳng hơn. Ông Đức cho biết: “Do giá phân bón, thuốc, giống đều tăng nên chỉ có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, giảm giá thành và tăng năng suất thì mới có thể tăng lợi nhuận. Áp dụng máy trang phẳng đồng ruộng sẽ giảm khoảng 30% chi phí sản xuất”.

Kỹ sư Trần Văn Mì, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, cho biết: “Trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, áp dụng 3 giảm 3 tăng, vụ đông xuân vừa qua, bà con đã giảm được chi phí sản xuất từ 500.000- 1 triệu đồng/ha”. Không dừng lại ở đó, ông Đức “mạnh tay” hơn khi đầu tư tiếp 100 triệu đồng mua máy cấy lúa, với công suất cấy 4 ha/ngày và chỉ tốn 6kg giống/ công, tiết kiệm khoảng 50% chi phí so với sử dụng máy sạ hàng.

Máy trang phẳng đồng ruộng bằng tia laser bắt đầu được nông dân An Giang chú ý.

Ở những ruộng trên núi thuộc khu vực Tri Tôn và Tịnh Biên, nông dân cũng nhanh chóng tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Ông Chau Sóc On, Phó Chủ tịch xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, cho biết: “Hiện nay, bà con đồng bào Khmer tại Bảy Núi cũng đã thay đổi cách nhìn, không còn sản xuất theo truyền thống. Toàn xã có 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp. Bà con áp dụng 3 giảm 3 tăng trên 100% diện tích; sử dụng giống xác nhận và áp dụng tưới tiết kiệm nước trên 400 ha. Nhờ đó, vụ đông xuân vừa qua, chi phí sản xuất giảm khoảng 15%, năng suất tăng từ 5,8 tấn/ha lên 6,5 tấn/ha”.

Hướng đến một nền nông nghiệp bền vững

Việc triển khai Dự án phát triển hệ thống sản xuất giống nguyên chủng và giống xác nhận đã phát huy vai trò của cộng đồng trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao kiến thức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân. Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, An Giang đã phát triển mạng lưới trên 193 đơn vị gồm HTX, đội nhân giống. Diện tích nhân giống lúa gần 3.500 ha, sản lượng lúa giống đạt trên 19.000 tấn, đáp ứng 73% nhu cầu giống lúa xác nhận cho vụ hè thu năm 2007. Ngoài việc phát triển mạng lưới nhân giống để hướng đến mục tiêu 90% diện tích sản xuất sử dụng giống xác nhận, ngành nông nghiệp sẽ tăng diện tích áp dụng 3 giảm 3 tăng lên 85%.

Thạc sĩ Mai Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ An Giang, khẳng định: “Trong những năm qua, công nghệ sinh học đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ sinh học chủ yếu chỉ là ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới, nhân giống mới... Trong những năm tiếp theo, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Tổ chức ứng dụng nhanh những thành tựu công nghệ sinh học đã được các viện nghiên cứu, các trường đại học nghiên cứu thành công để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, chú trọng các lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng vật nuôi, sản xuất các chế phẩm sinh học để kích thích tăng trưởng và xử lý môi trường, bảo quản nông sản, ứng dụng mạnh công nghệ lên men vi sinh vật, enzyme công nghiệp...”.

Theo kế hoạch phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất của tỉnh An Giang, từ đây đến năm 2010, tỉnh sẽ tập trung vào những lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học vào sản xuất. Đặc biệt, quan tâm đến việc chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi đạt ưu thế, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông, thủy sản, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ sau thu hoạch để tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh việc tiếp nhận các kết quả nghiên cứu thành công ở các viện, trường, các địa phương để triển khai chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình thử nghiệm, từ đó tổng kết đánh giá, nhân rộng trên địa bàn.

Như vậy, với đà phát triển của khoa học kỹ thuật cùng sự nhạy bén, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, ngành nông nghiệp An Giang đang tiến một bước dài hướng đến nền nông nghiệp sản xuất bền vững. Vẫn còn đó không ít khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, kiến thức cơ bản... khiến nhiều nông dân lúng túng trong việc chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra trên đồng ruộng cộng với sự chủ động của nhà quản lý, tương lai không xa nông nghiệp An Giang sẽ đi đầu khu vực trong ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Theo Báo Cần Thơ
  • 4.303