Ứng dụng tế bào gốc vào lĩnh vực thẩm mỹ

  •   2,45
  • 13.614

Nhiều tín hiệu cho thấy, những nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc ở Việt Nam đang đi vào ứng dụng.

Ngoài một ngân hàng tế bào gốc đã đi vào hoạt động, một ngân hàng khác chuẩn bị đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Viện Da liễu Quốc gia cũng đang triển khai lập một trung tâm chuyên chăm sóc da từ các sản phẩm tế bào gốc.

Nhu cầu lớn

Lưu giữ tế bào gốc ở MekoStem. Ảnh: B. Dương.

MekoStem là ngân hàng tế bào gốc đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép, có khả năng bảo quản lên đến 3.000 mẫu. MekoStem đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với PGS-TS Phan Toàn Thắng, hiện nghiên cứu, giảng dạy Đại học Quốc gia Singapore và là người đầu tiên trên thế giới phân lập được tế bào gốc từ màng cuống rốn. Hiện khả năng tiếp nhận nguồn tế bào gốc của ngân hàng MekoStem mỗi ngày là 5 đến 7 mẫu. Bà Đặng Thị Kim Lan, Giám đốc Ngân hàng tế bào gốc MekoStem cho biết, có hàng trăm khách hàng tìm đến MekoStem và cũng có hơn 100 mẫu tế bào màng cuống rốn gửi tại đây.

Chi phí cho một trường hợp bảo quản tế bào màng dây rốn là 750 USD, tế bào máu dây rốn là 1.200 USD. MekoStem đang miễn phí đối với năm trường hợp đăng ký gửi dây rốn theo yêu cầu và đến nay, đã có một trường hợp được thực hiện.

Sau ngân hàng tế bào gốc MekoStem, Công ty Mamprotech Việt Nam đang chuẩn bị cho việc ra đời ngân hàng tế bào gốc tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, dự định sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2009. Đây là công ty đầu tiên có dự án đầu tư phát triển về công nghệ tế bào gốc trong Khu công nghệ cao TP HCM.

Giám đốc dự án Mamprotech Việt Nam, ông Nguyễn Quang Dực cho biết, ngoài thành lập ngân hàng tế bào gốc, công ty sẽ triển khai và sản xuất sản phẩm y sinh với công nghệ tế bào gốc. Toàn bộ nhân lực, vật lực đã chuẩn bị sẵn sàng, trong đó, nguồn nhân lực là các chuyên gia nước ngoài và một phần lớn là các cán bộ trẻ của Phòng thí nghiệm và ứng dụng nghiên cứu tế bào gốc của ĐH Quốc Gia TP HCM.

Ông Dực cũng cho hay, đầu tư cho trang thiết bị hiện đại của dự án lên tới trên 30.000 USD một người làm việc. Đây là dự án được công ty mẹ Mamprotech ở Australia rất quan tâm.

“Đánh” vào lĩnh vực thẩm mỹ

Các nhà nghiên cứu của Công ty Cổ phần Sinh học và Y học tái tạo (FBM) cũng vừa cho biết, kết quả đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc của họ đã đến được công chúng. Đó là những sản phẩm có nguồn gốc từ dược phẩm nhưng được dùng với mục đích thẩm mỹ.

Hai sản phẩm nói trên là Juvian và JuviGrow S. Juvian có bản chất là dung dịch nuôi cấy tế bào, khi tiếp xúc với da (sử dụng cho da mặt) sẽ thẩm thấu vào da và cung cấp dưỡng chất cho tế bào gốc da. Khi đó, tế bào gốc da sẽ khoẻ và tất cả các đặc tính sinh học của da nhờ đó được cải thiện.

“Tế bào gốc và công nghệ tế bào gốc đã mở ra một chương mới trong việc ứng dụng chăm sóc da và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về da. Đây thật sự là những sản phẩm khoa học, được nghiên cứu và đánh giá nghiêm túc và đã được khách hàng đón nhận…”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hải Vân, Viện Da liễu Quốc gia, cho biết.

Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia đang xúc tiến thành lập trung tâm chăm sóc da, ứng dụng các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc của FBM để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Theo các chuyên gia, sản phẩm từ tế bào gốc dùng trong mục đích chống, xóa nhăn tốt hơn các sản phẩm cùng loại, nhưng được sản xuất từ tế bào động vật (bò) hoặc từ nguồn hoá, sinh tổng hợp. Ưu điểm của chúng là, ít phản ứng phụ và thải loại, tác dụng duy trì công dụng lâu hơn 8 đến 12 tháng.

Theo Báo Đất Việt
  • 2,45
  • 13.614