Nuôi lợn rừng

  •  
  • 3.489

Cách nuôi lợn rừng cũng không khó. Có người còn chủ quan cho rằng: Dễ hơn cả nuôi lợn nhà. Không phải lợn rừng là phải nuôi ở rừng. Ta có thể nuôi chúng ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của nó để thu xếp chỗ nuôi.

Lợn rừng

Nuôi lợn rừng (Ảnh: KHKTNN)

Nên chọn chỗ đất cao và thoát được nước để bố trí nuôi lợn rừng. Không đưa chúng vào nơi đất thấp, trũng nước hoặc khó thoát nước. Chỗ nuôi cũng nên có nguồn nước sạch. Nó không những cung cấp đủ nước cho lợn uống mà quan trọng hơn là sẽ duy trì được hệ thực vật phong phú tại nơi nuôi chúng và giữ được độ ẩm thích hợp.

- Không nên tận dung các chuồng trại cũ đã nuôi lợn nhà để thả lợn rừng. Mầm bệnh tồn đọng của lợn nhà có thể lây sang lợn rừng. Mặt khác, khu nuôi càng cách xa khu dân cư và đường sá thì càng tốt. Bản năng hoang dã đã đưa chúng vào tình trạng hết sức cảnh giác và luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động.

- Chỗ nuôi lợn rừng nên có nhiều cây cối, càng rậm rạp càng tốt. Con lợn rừng hung dữ nhưng lại rất nhát. Tuy nhiên, cũng nên tạo ra những diện tích trong khu nuôi được chiếu sáng trực tiếp để chúng mò ra sưởi nắng. Ta có thể nuôi chúng theo kiểu nhốt trong chuồng (như lợn nhà) hoặc nuôi theo kiểu thả rông trong những khu vực có rào chắn xung quanh. Ở Công ty Lý –Thanh -Sắc, người ta quây 1 khu trại (chiều ngang là 10m và chiều dài khoảng 80m) để thả lợn rừng. Trong khu vực đó trồng kín sắn và tre. Họ cũng lợp cho chúng 1 cái lều để trú mưa. Chúng sống chui rúc trong bụi rậm là chính. Điều quan trọng là hệ thống hàng rào phải hết sức chắc chắn. Ta có thể xây tường hoặc quây lưới B40 xung quanh khu nuôi. Phải đề phòng chúng đào hốc để chui ra.

Lúc đầu đưa lợn rừng về nuôi, chúng thường hoảng sợ và chạy trốn. Đôi khi, chúng tức giận, lồng lộn và luôn tìm cách phá chuồng để ra. Ta phải bình tĩnh và luôn đối xử nhẹ nhàng với chúng. Thời gian đầu nó có thể không chịu ăn và nhịn đói. Nhưng nó không nhịn khát được. Vì vậy, cần chuẩn bị từ trước máng nước cho chúng uống. Sau một thời gian, biết chắc không thể vượt đi được, lợn sẽ dần dần thích ứng với chỗ ở mới và tìm tới thức ăn.

Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là thực vật. Không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi lợn rừng vì nó sẽ làm cho chất lượng của lợn rừng bị biến đổi và đôi khi lợn lại bị bệnh tiêu chảy.

Có 2 loại thức ăn:

- Thức ăn thô gồm: Cây chuối, bẹ chuối, thân cây ngô non, rau muống, rau lấp, bèo tây, các loại cỏ, các loại quả xanh v.v..

- Thức ăn tinh: Là loại thức ăn ít chất xơ và có thành phần dinh dưỡng cao hơn. Nó gồm: Gạo, cám, ngô, đậu, khoai, sắn v.v. Ứng với từng giai đoạn ta phải bố trí lượng thức ăn cho phù hợp và khống chế khẩu phần.

Cũng cần làm tốt công tác phòng, chống bệnh cho chúng. Lợn rừng thường mắc một số bệnh như: Dịch tả, tiêu chảy, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, bệnh sán lá, bệnh ghẻ lở và một số bệnh khác.Khi phát bệnh, ta phải cho chúng cách ly và tìm cách chạy chữa như đối với lợn nhà.

Việc nhân giống lợn rừng có thể theo hướng tạo dòng thuần chủng hoặc tạo ra các thế hệ con lai. Điều bắt buộc là con đực luôn luôn luôn phải là lợn rừng thuần chủng.

Tuy phải tuân thủ nhiều nguyên tắc nhưng nhìn chung, nuôi lợn rừng cũng không khó. Trong lúc, thị trường đòi hỏi rất nhiều thịt lợn rừng. Vì vậy đây cũng là một nghề nên làm.

Theo Báo Nông nghiệp, Khoa học KTNN
  • 3.489