Chọn giống tốt - Nền tảng của chương trình “3 giảm, 3 tăng”

  •  
  • 840

Theo Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nếu chương trình “3 giảm, 3 tăng” được ví là nền tảng của những vụ lúa bội thu, tăng lợi nhuận cho nông dân, thì phương pháp chọn giống sản xuất được xem là nền tảng của chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Sử dụng lúa giống nguyên chủng, giống xác nhận đạt tiêu chuẩn là tiền đề cho cây lúa phát triển tốt, đồng đều, có số lượng bông thích hợp, đảm bảo chất lượng hạt gạo...

Đầu tháng 9-2006, chúng tôi trở lại Câu lạc bộ nhân giống liên xã Trung An, Trung Thạnh (huyện Thốt Nốt). Vào thời điểm này, ở nhiều nơi khác, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang phát triển, phá hại lúa thu đông. Nhưng ở đây, những ruộng lúa vàng rực, trĩu hạt

Các cán bộ Sở NN & PTNT và nông dân tham quan, khảo sát, đánh giá ruộng lúa sản xuất giống nguyên chủng VND 95 – 20 của anh Nguyễn Văn Sơn.

Các cán bộ Sở NN & PTNT và nông dân tham quan, khảo sát, đánh giá ruộng lúa sản xuất giống nguyên chủng VND 95 – 20 của anh Nguyễn Văn Sơn. (Ảnh: baocantho)

đang chuẩn bị thu hoạch. Ông Huỳnh Văn Chờ, Giám đốc Trại giống nông nghiệp huyện Thốt Nốt, cho biết: “Đây là những ruộng lúa sản xuất giống theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Trong đó, hình thức sạ thưa, sạ hàng, cấy đều dẫn đến kết quả giảm giống trong gieo sạ, cây lúa phát triển mạnh, phân bố, đồng đều, hạn chế sử dụng phân bón, dịch hại xuất hiện thấp. Nhờ đó, công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật, thất thoát sau thu hoạch... đều giảm - đặc biệt là khả năng phục hồi của cây lúa khi bị nhiễm bệnh rất cao
”.

Vụ thu đông 2006, ở huyện Thốt Nốt có 103 ha đất sản xuất lúa giống nguyên chủng, giống xác nhận. Các loại giống được tập trung sản xuất trong vụ này là OM 4498, L 274, VD 20, Jasmine, VND 95 – 20, OM 1490, OM 2517, OM 2514, nếp bè, MTL 384… do Viện Lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ cung cấp. Trong đó, Câu lạc bộ nhân giống liên xã Trung An- Trung Thạnh sản xuất 33,5 ha lúa giống. Theo Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ, các giống lúa trên đều cho năng suất khá cao, trong đó có giống OM 4498, VND 95 – 20... có khả năng phục hồi bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá rất cao.

Câu lạc bộ nhân giống liên xã Trung An- Trung Thạnh được thành lập vào 2005, đến nay đã thu hút được 24 thành viên, với tổng diện tích canh tác trên 49ha. Hầu hết các thành viên trong tổ đều nắm vững kỹ thuật sản xuất lúa giống nguyên chủng, giống xác nhận. Nói về hiệu quả sản xuất giống trong vụ lúa thu đông 2006, anh Phạm Văn Khiêm, thành viên Câu lạc bộ nhân giống liên xã Trung An - Trung Thạnh, phấn khởi nói: “Những vụ sản xuất vừa qua, Câu lạc bộ đều đạt năng suất cao - đặc biệt, vụ đông xuân 2005-2006 năng suất thu hoạch bình quân đạt từ 8 đến 8,5 tấn/ha. Vụ thu đông năm nay, có nhiều giống lúa phát triển rất tốt, khả năng phục hồi bệnh cao, bà con trong câu lạc bộ rất phấn khởi”.

Vụ thu đông 2006, gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, một thành viên câu lạc bộ, canh tác 7.000m2 giống lúa VND 95 – 20, sản phẩm tạo ra là giống nguyên chủng. 25 ngày sau khi sạ, lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn khoảng 70%. Nhờ áp dụng Chương trình 3 giảm, 3 tăng vào sản xuất và phun xịt thuốc phòng trị theo nguyên tắc “4 đúng” nên mang lại hiệu quả cao, lúa phục hồi và khắc phục bệnh đạt hiệu quả 100%. Hiện nay, ruộng lúa của anh đang chuẩn bị thu hoạch, ước năng suất khoảng 400kg/1.000m2. Anh Sơn cho biết: “Để sản xuất đạt kết quả, gia đình tôi và các thành viên trong câu lạc bộ đều tuân thủ nguyên tắc sản xuất đúng kỹ thuật từ khâu ủ giống, ương thành mạ đến suốt quá trình canh tác và thu hoạch. Trong đó, chú trọng nhất là khâu ngâm giống kết hợp biện pháp sử dụng thuốc duyệt nấm bệnh, trừ bọ trĩ, rầy nâu... Khi mạ được 8 đến 12 ngày được nhổ lên và cấy đều dưới ruộng với khoảng cách mỗi cây lúa khoảng gang tay. Sau đó, thời gian canh tác còn lại áp dụng theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và thực hiện đầy đủ các giai đoạn khử lẫn (diệt lúa lẫn, lúa tạm). Đó là phương pháp sản xuất lúa nguyên chủng. Còn đối với phương pháp sản xuất giống xác nhận áp dụng khử giống tương tự như quy trình khử giống nguyên chủng, nhưng bỏ qua giai đoạn ương mạ, chúng tôi chỉ áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa. Các sản phẩm tạo ra đều được đơn vị chức năng, cung cấp giống đến kiểm tra, nghiệm thu và chứng nhận giống đạt tiêu chuẩn”. Nhiều bà con sản xuất lúa giống rất phấn khởi vì lợi nhuận cao hơn 1,5 đến 2 lần so với sản xuất lúa hàng hóa, nhờ lúa bán được giá.

Hầu hết những giống lúa nguyên chủng, xác nhận được tạo ra đều được trại giống các quận, huyện thu mua và phân phối cho nông dân sản xuất. Vụ lúa đông xuân 2006-2007, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ lên kế hoạch gieo sạ 100% diện tích từ giống nguyên chủng, giống xác nhận.Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Từ những năm đầu áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” vào sản xuất lúa, ngành nông nghiệp đều xác định khâu sử dụng lúa giống nguyên chủng, xác nhận để gieo sạ, sản xuất theo phương pháp sạ hàng, sạ thưa của chương trình “3 giảm, 3 tăng” là một trong những khâu quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của một vụ lúa”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Theo Báo Cần Thơ
  • 840