Tái tạo virus cúm 'thần chết' 1918

  •  
  • 525

Lần đầu tiên trong y sử nhân loại, các nhà khoa học sẽ tái xây dựng virus cúm Tây Ban Nha - "thần chết" của năm 1918 làm hàng triệu người tử vong trên toàn thế giới. Đây hoàn toàn không phải là truyện khoa học viễn tưởng.

Mục tiêu xây dựng dự án ly kỳ này là để giới khoa học biết được cách chống đỡ tốt hơn đại dịch toàn cầu trong tương lai, bắt đầu từ sự lây lan bệnh cúm gia cầm ở Đông Nam Á hiện nay. Nhóm nghiên cứu tin rằng công trình của họ sẽ là bằng chứng cho thấy đại dịch cúm 1918 bắt nguồn từ chim, và đem lại cái nhìn cận cảnh hơn cách nó tấn công và sinh sôi trong cơ thể người. Trên hết, dự án này là dấn ấn đầu tiên trong y sử, rằng một tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây đại dịch tàn khốc trong lịch sử loài người được tái hình thành.

Các nhà khoa học đảm bảo rằng virus "thần chết" 1918 tái xuất hiện không đe dọa cộng đồng. Chừng 10 lọ siêu vi trùng sẽ được cất giữ cẩn thận tại Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh liên bang Mỹ (CDC) ở Atlanta, thành viện nhóm nghiên cứu Terrence Tumpey cho biết.

Cũng giống như virus 1918, chủng cúm gia cầm H5N1 hiện nay ở Đông Nam Á cũng đến từ chim. Vào năm 1918, một loại virus cúm đột biến gây bệnh cho người và sau đó lây từ người này sang người khác. Trong khi đó, virus H5N1 ở châu Á hiện nay cũng đã có khả năng lây bệnh và làm ít nhất 65 người thiệt mạng, song chưa có dấu hiệu truyền nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, thế giới virus vốn khét tiếng về khả năng đột biến rất nhanh, do đó H5N1 cũng có thể sớm phát triển những đặc tính truyền nhiễm giống như ở virus 1918 trước đó. Chính vì thế, "nhu cầu tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra vào năm 1918 rất cấp bách", tiến sĩ Jeffery Taubenberger, Viện bệnh dịch học quân đội Mỹ, trưởng nhóm xây dựng chuỗi gene cho dự án cho biết.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 lây lan toàn thế giới chỉ trong vài tháng và làm cho khoảng 20-50 triệu người thiệt mạng. Trong trường hợp nghiêm trọng, nạn nhân bị tràn dịch màng phổi trong suốt thời gian phát bệnh kéo dài chưa đầy 1 tuần. Loại cúm này đặc biệt nguy hiểm đối với thanh thiếu niên, nhóm tuổi vốn gặp ít biến chứng ở phổi hơn người già. Theo một số chuyên gia thì một lý do khiến cho nạn dịch năm đó thêm trầm trọng là vì tình trạng suy dinh dưỡng và điều kiện sống nghèo nàn trong thời kỳ kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất.

Một lý do mà nhóm nghiên cứu tin rằng virus 1918 tái tạo không đe dọa cộng đồng là vì dược phẩm hiện đại có thể trị bệnh cúm 1918 rất hiệu quả. Hơn nữa, con người ngày nay đã được miễn dịch một phần đối với bệnh. Nguyên nhân là do kiểu phụ của virus 1918 ngày nay khá phổ biến, vì thế nó không còn xa lạ với hệ miễn dịch của con người, chuyên gia vi sinh Adolfo Garcia-Sastre của trường Y Mount Sinai (Mỹ) nhận định.

Trong nghiên cứu đăng trên các tạp chí Sciences và Nature, các nhà khoa học đã giải thích cách thức tái tạo virus 1918 như sau: Bằng cách sử dụng di cốt của một phụ nữ bị chết vì bệnh cúm được chôn ở tầng đất đóng băng ở vùng Alaska vào năm 1918, người ta xây dựng một chuỗi thông tin di truyền của virus. Họ chia sẻ nó với tiến sĩ Garcia-Sastre và cộng sự của trường Mount Sinai - những người sẽ dùng bộ mã này để tạo ra chuỗi gene giống virus, gọi là plasmid. Các plasmid này sau đó được chuyển tới CDC, nơi nó được cấy vào trong các tế bào thận của người - khâu cuối cùng trong quá trình tái tạo. "Một khi đưa được plasmid vào tế bào thận người, virus sẽ tự lắp ráp", Tumpey cho biết , "nó chỉ mất một vài ngày" để làm việc này.

Một virus cúm thường có 8 đoạn gene. Taubenberger và cộng sự trước đó đã công bố trình tự của 5 đoạn, và công trình mới sẽ giúp họ xây dựng nốt các đoạn còn lại. 3 đoạn gene mới dường như rất quan trọng trong việc giải thích cách thức virus từ chim trở nên thích nghi với con người, Taubenberger khẳng định.

Tumpey cũng chứng minh các đặc tính thân thiện với gia cầm của virus 1819 bằng việc đưa nó vào trứng chim thụ tinh. Kết quả là nó đã tiêu diệt số trứng này, giống như virus cúm H5N1 ở châu Á đang làm. Trong khi những chủng cúm hiện đại khác từ cơ thể người không làm như vậy, ông nhấn mạnh.

Nhóm khoa học cũng tập trung tìm hiểu một gene HA chuyên mã hóa protein bề mặt hemagglutinin, giúp virus đính vào tế bào và sinh sôi. Theo Tumpey, virus 1918 nguy hiểm là nhờ gene HA này - một khi HA bị lấy đi, nó sẽ trở nên "dịu dàng" hơn. Ngoài ra, các đặc tính di truyền của virus 1918 sẽ giúp giải thích vì sao nó có khả năng thâm nhập vào phổi sâu hơn so với những chủng cúm hiện nay, gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi.

Thông tin về trình tự gene từ dự án đang được lưu giữ ở GenBank, trung tâm dữ liệu công cộng do Viện Y học quốc gia Mỹ điều hành. Thông tin trình tự gene của thủ phạm gây bệnh đậu mùa và những căn bệnh lây nhiễm khác cũng "ngủ yên" tại đây.

Mỹ Linh (theo AFP, Nature)

Theo VnExpress
  • 525