Cúm gà truyền nhiễm như thế nào?

  •  
  • 142

Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Thú y thế giới vừa xây dựng một chiến lược mang tính toàn cầu nhằm ngăn chặn cúm gà H5N1 phát triển thành đại dịch, trong đó liệt kê một số thông tin đáng chú ý về sự truyền bệnh của virus.

Bé Mutiara Gayatri 6 tuổi bị cúm gà đã bình phục sau một thời gian điều trị ở bệnh viện Jakarta

- Virus truyền bệnh qua dịch tiết ra từ mũi, miệng và phân.

- Con người có thể nhiễm virus qua tiếp xúc lâu dài, gần gũi với gia cầm bệnh, và thường ở trong một không gian bó hẹp, hoặc khi virus bám trên những bề mặt dính chất bài tiết và phân gia cầm.

- Ở châu Á, bệnh nhân phần lớn tiếp xúc trực tiếp với virus qua giết mổ, làm lông, và nấu nướng gia cầm bệnh.

- Trong một số chủng cúm gà vượt rào từ loài vật sang người, H5N1 là dạng gây bệnh và tử vong cao nhất. Sau khi nhiễm virus, nạn nhân suy nhược nhanh chóng và tỷ lệ tử vong cao do viêm phổi và suy đa nội tạng.

- Virus cúm gà hiện nay tương đối khó lây từ gia cầm sang người. Ở châu Á đã có ít nhất 123 người nhiễm bệnh và hơn 60 ca tử vong, song đây cũng là nơi con người tiếp xúc gần gũi thường xuyên với gia súc.

- Virus H5N1 làm chết gia cầm (có thể tiêu diệt cả chuồng gà chỉ trong vài giờ) song lại ít độc với các loài vịt và ngỗng hoang. Vì thế, thuỷ cầm hoang là ổ chứa virus mà không biểu hiện triệu chứng và vẫn có thể bay xa.

- Mặc dù virus có thể tồn tại trong mô, song không có bằng chứng cho thấy gia cầm hoặc trứng nấu chính là nguồn truyền bệnh. Có thể vô hiệu quả các virus độc lực mạnh của chủng H5 và H7 bằng nhiệt (60 độ C trong 30 phút) và axit pH.

- Tất cả các loài gia cầm đều có khả năng nhiễm virus cúm gà, ngoài ra còn có một số động vật khác như lợn, song ít phổ biến hơn.

- Chim di cư là thủ phạm phát tán virus từ châu Á và Siberia sang Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ở châu Á, hoạt động buôn bán gia cầm sống vẫn đóng vai trò chủ chốt.

- Năm 2003, một dạng virus cúm gà nhẹ tấn công Hà Lan. Mặc dù đó là chủng bình thường không nguy hiểm cho con người, song đã có một bác sĩ thú y tiếp xúc lâu với gia cầm bệnh đã bị chết.

- Các chủng phụ H5 và H7 của virus cúm gà có độc lực thấp hoặc cao, tuy nhiên việc phát hiện virus thuộc chủng H5 không có nghĩa đó là H5N1.

M.L (theo Reuters)

Theo VnExpress
  • 142