Cúm gia cầm: thế giới lo “sốt vó”, còn Việt Nam?

  •  
  • 108

Những thông tin trên báo chí thời gian gần đây về cúm gia cầm làm cho người đọc cảm nhận sự khẩn trương và quyết liệt của chính phủ các quốc gia trên thế giới từ Mĩ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Crotia, Nga, Ấn Độ, Thái Lan… trong việc đối phó với đại dịch có thể sắp sửa xảy ra này.

Một con két nhiễm virus H5 bị chết ngay trong phòng cách ly đã làm “náo loạn” cả ngành y tế của Anh quốc. Một con thiên nga chết cũng đủ khiến cho Bộ Nông nghiệp Croatia tuyên bố tất cả gia cầm trong phạm vi 3km bán kính sẽ bị tiêu hủy để ngăn chặn cúm gia cầm. Những chuyến công du của Bộ trưởng Y tế Mỹ đến các nước châu Á và khoản tiền viện trợ 38 triệu USD giúp VN, Lào, Camphuchia tăng cường công tác giám sát, xét nghiệm và đào tạo nhân lực về cúm gia cầm cho thấy nước Mĩ đang “phòng bệnh xa”.

Các quốc gia trên thế giới đang “ép” Hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche, nơi giữ bản quyền thuốc trị cúm Tamiflu bỏ độc quyền và cấp giấy chứng nhận cho các công ty khác sản xuất những phiên bản thuốc có giá rẻ hơn. Thậm chí, với phương châm “sức khỏe người dân là trên hết”, Đài Loan tuyên bố sẽ sản xuất Tamiflu theo cách của mình mà không chờ Roche đồng ý. Sự căng thẳng về việc dự trữ thuốc trị cúm đã lan khắp thế giới.

Trong khi đó, các chuyên gia của tổ chức y tế thế giới (WHO) trong thời gian gần đây liên tục đưa ra nhiều lời cảnh báo về một đại dịch cúm gia cầm có thể lây lan khắp cả thế giới, có khả năng làm thiệt mạng hàng triệu người. Trong đó, Đông Nam Á, “khởi nguồn” của đại dịch và cũng là nơi được coi là thờ ơ với việc phòng chống nhất sẽ là nơi gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất.

Nhìn lại VN, trong khi cả thế giới đang lo sốt vó về những diễn biến ngày càng phức tạp của cúm gia cầm thì người dân VN đang tỏ ra “thờ ơ” trước dịch bệnh này. Sự “vô tâm” ấy thể hiện khá rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng: mỗi ngày giở báo ra đều thấy những thông tin về cúm gia cầm thế giới, tìm “mỏi con mắt” vẫn không thấy tin cúm gia cầm ở VN!

Dịch cúm gia cầm lần này khiến cả thế giới quan tâm lo lắng bởi vì khi xảy ra không phải là chết gia cầm như chúng ta vẫn thường nghĩ mà là làm thiệt hại về nhân mạng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi nước cần dự trữ thuốc chống virus và vaccine cúm người loại thường đủ để điều trị cho ít nhất 20% dân số, với VN là 20 triệu người.

Bộ Y tế đã dự trữ được bao nhiêu liều thuốc để đối phó với dịch bệnh, nếu xảy ra? Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chuẩn bị gì? Các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch chủ động đối phó như thế nào? Tất cả đều phải được thông tin liên tục và kịp thời cho người dân được biết. 

DUY HUỲNH

* Cộng đồng cần ra sức đối phó cúm gia cầm

Bệnh cúm gia cầm đang dần trở thành hiểm họa của toàn cầu với nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng và hậu quả xấu sẽ mang tính dây chuyền nếu như chúng ta không ngăn được ngay từ đầu mà để nó phát triển thành dịch lớn.

Tin một đàn vịt ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) nhiễm virus cúm gia cầm phải tiêu hủy, một số nông dân nuôi vịt đàn ở Trà Vinh xé lẻ đàn vịt để đối phó việc tiêm ngừa, và trong lúc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đồng loạt triển khai tiêm ngừa vaccine thì lại thiếu vaccine… làm cho chúng ta không khỏi lo lắng.

Đặc biệt trong tình hình nhiều nước ở châu Á, châu Âu liên tục thông tin phát hiện chim di cư, gia cầm nuôi bị nhiểm cúm H5N1, thậm chí có người chết vì nhiễm virus H5N1 ở Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và tổ chức Y tế thế giới không ngừng đưa ra những cảnh báo về một đại dịch nguy hiểm có khả năng xảy ra trên diện rộng, càng không cho phép mỗi người chúng ta lơ là, chủ quan trước mùa dịch cúm - mùa đông - đang ngày một đến gần.

Trong điều kiện chăn nuôi của nước ta nhỏ lẻ, phân tán, điạ bàn cách trở đi lại khó khăn và mạng lưới thú y quá mỏng với biên chế, chế độ chính sách hỗ trợ quá hạn chế như hiện nay, nếu không được toàn dân hưởng ứng và tích cực tham gia thì sự chỉ đạo kiên quyết cùng những nỗ lực từ phía nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra, kết quả cũng không thể như mong muốn.

Tình hình dịch bệnh trên gia cầm, trên người và hậu quả kinh tế, xã hội từ một đại dịch sẽ không ai có thể tiên đoán được. Vì thế mỗi người chúng ta cần phải thấy trách nhiệm đối với cộng đồng, cũng chính là để tự bảo vệ bản thân, gia đình và người thân của mình; hãy nghiêm chỉnh chấp hành những qui định của cơ quan thú y điạ phương trong việc tiêm phòng vaccine, đảm bảo thực hiện tiêm phòng đầy đủ số liều, đúng lịch, không bỏ sót bất kỳ cá thể nào thuộc đối tượng phải tiêm phòng. Không vận chuyển, mua bán, giết mổ, ăn thịt gia cầm và cả trứng mới đẻ trong khoảng thời gian cách ly an toàn sau khi tiêm phòng theo qui định.

Đồng thời phải cùng tiếp sức tuyên truyền, vận động mọi người chung quanh cũng chấp hành và thực hiện như mình, để góp phần cùng cả nước ngăn chặn hữu hiệu mùa dịch không cho tái phát, và để nước ta góp sức với cộng đồng quốc tế đẩy lùi, triệt tiêu sớm dịch bệnh nguy hiểm này trả lại cuộc sống bình thường cho bao người.

Có quá nhiều khó khăn đang đặt lên vai ngành thú y, trước mắt là trong công tác tiêm ngừa vaccine, sau đó là công tác giám sát kiểm dịch trong giết mổ, mua bán vận chuyển trong nhân dân đang luôn diễn ra phức tạp, nếu như mọi người có liên quan đến các sản phẩm thịt, trứng, con giống, thức ăn… gia cầm mà thiếu ý thức cảnh giác, thực hiện không nghiêm một khâu nào đó trong những quy định của pháp lệnh thú y đối với bệnh cúm H5N1 nói riêng và các bệnh khác nói chung, thì việc thực hiện các kế hoạch hành động theo sự chỉ đạo của chính phủ sẽ rất khó khăn, hậu quả xấu sẽ khó tránh khỏi.

Vì vậy ngoài sự nỗ lực của ngành thú y, đòi hỏi các ngành, các cấp chính quyền và cả cộng đồng cần phải có sự hỗ trợ tích cực hơn. Nhất là phải cùng nhau ra sức tuyên truyền, vận động để bà con nông dân có nhận thức đúng, ý thức được trách nhiệm trước mối hiểm họa chung, cùng hưởng ứng và tích cực tham gia tiêm vaccine cho gia cầm. 

Trong thời gian trước mắt, dịch cúm gia cầm còn đang treo lơ lửng, bà con nông dân nên mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, không nên tiếp tục nuôi các loại gia cầm (bao gồm cả các loài thủy cầm), mà nên đồng loạt nghỉ nuôi trên diện rộng, đảm bảo được thời gian cách ly tối thiểu vài chu kỳ, khi nào dịch bệnh thật ổn định thì nên tổ chức cho chu đáo về quy hoạch, kỹ thuật, có con giống an toàn và vaccine đầy đủ mới nên nuôi lại để tránh thiệt hại.

KS. NGUYỄN VĂN THƯỚC (Sở Khoa học Cà Mau)

Theo Tuổi trẻ Online
  • 108