Thực tế ảo giúp người bị cụt chi giảm đau

  •  
  • 522

Các viện sĩ của Trường Khoa Học Máy Tính và Trường Khoa Học Tâm Lý vừa phát triển được một hệ thống thực tế ảo có thể tạo ra một ảo giác là, phần tay chân của một người bị cắt bỏ trước đó vẫn còn trên cơ thể của họ. Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo (tiếng Anh là virtual reality, viết tắt là VR) là một kỹ thuật cho phép người sử dụng tương tác trong một môi trường mô phỏng bằng máy tính, môi trường đó có thể là thật, có thể là tưởng tượng. Đa phần các môi trường thực tại ảo chủ yếu là hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính hay thông qua kính nhìn ba chiều, tuy nhiên một vài mô phỏng cũng có thêm các loại giác quan khác khác như âm thanh qua loa hay tai nghe.

Hệ thống máy tính do tiến sĩ Stephen Pettifer và Toby Howard của Trường khoa học máy tính tạo ra này, có khả năng làm cho bệnh nhân chìm đắm vào một thế giới thực tế ảo, rộng lớn như ngoài đời thật.

Bằng cách đeo bộ tai nghe, bệnh nhân có thể nhìn thấy bản thân mình qua hai chi. Họ có thể sử dụng chi đang có trên cơ thể của mình để điều khiển các cử động của chi do máy tính thực hiện, các cử động này xuất hiện trong thế giới 3 chiều được tạo dựng từ máy tính có sự hiện diện của phần chi bị cắt bỏ trước đó của họ.

Thế giới thực tế ảo rộng lớn như thế giới thật.

Thế giới thực tế ảo rộng lớn như thế giới thật (Ảnh: ScienceDaily)

Ví dụ như là, họ có thể sử dụng cánh tay phải trên cơ thể để điều khiển cử động của cánh tay trái ảo của mình.

Bệnh nhân sẽ có sự phối hợp phức tạp giữa mắt và tay và có thể di chuyển các ngón tay, bàn tay, cánh tay, bàn chân và cẳng chân của mình. Họ còn có thể sử dụng chi ảo của mình để chơi những trò chơi bằng bóng.

Trường hợp Ðau Chi Ma Quái Phantom Limb Pain hay còn gọi là PLP rất khó chịu. Người bệnh cảm thấy đau ở phần chân tay bị mất do bị cắt bỏ đi. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra là, khi não của một người bị “lừa” rằng nếu họ có thể nhìn thấy và di chuyển được “chi bị đau ma quái” (tức phần chi đã bị cắt bỏ) thì cơn đau nhức sẽ có thể giảm xuống.

Cho đến thời điểm này, 5 bệnh nhân sống ở vùng Manchester – bao gồm một người bị chứng PLP trong 40 năm – đã sử dụng hệ thống thực tế ảo trong suốt một vài tuần trong một nghiên cứu quy mô nhỏ.

Tuy có quy mô nhỏ như vậy nhưng nghiên cứu ban đầu này đã có những kết quả đáng ngạc nhiên. Bốn trên năm bệnh nhân cho biết rằng, có sự giảm đau đáng kể đối với cơn đau chi ma quái của họ. Có bệnh nhân còn cảm thấy giảm đau gần như ngay lập tức sau khi sử dụng hệ thống thực tại ảo.

Các phát hiện của nhóm nghiên cứu trường đại học Manchester đã được trình bày gần đây tại một hội nghị quan trọng ở Đan Mạch về việc sử dụng hệ thống thực tại ảo cho việc hồi phục sức khỏe.

Tiến sĩ Stephen Pettifer của trường Khoa học máy tính phát biểu: hầu hết mọi người đều biết đến đồ họa 3 chiều và hệ thống thực tế ảo qua việc sử dụng chúng trong ngành công nghiệp giải trí, trong các game máy tính và các hiệu ứng đặc biệt trong phim.

“Thật là tuyệt khi có thể áp dụng kỹ thuật tương tự này vào một việc nào đó có thể đem lại những tác động tích cực cho sức khỏe và hạnh phúc của con người.”

Tiến sĩ Craig Murray của trường Khoa học Tâm lý, người dẫn đầu dự án này cho biết: “Nhiều người khi bị cắt bỏ chân hoặc tay đều trải qua những cơn đau ma quái và những cơn đau này thường xuyên hành hạ họ. Các cơn đau ma quái có thể kéo dài dai dẳng trong nhiều năm trời và rất khó để điều trị được chúng.

“Một bệnh nhân có cảm giác rằng, các ngón tay của bàn tay đã bị cắt bỏ của bà ấy như đang bị xiết chặt trong lòng bàn tay một cách liên tục, khiến cho bà ấy vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, chỉ sau một lần sử dụng sử dụng hệ thống ảo, bà bắt đầu cảm nhận được những cử động nơi các ngón tay đó và cơn đau nhức bắt đầu dịu xuống.”

Mỗi bệnh nhân tham gia nghiên cứu sử dụng hệ thống thực tế ảo từ 7 đến 10 lần trong thời gian từ hai đến 3 tháng. Thời gian mỗi lần sử dụng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời gian đó, bệnh nhân được đeo một bộ tai nghe thực tế ảo đặc biệt.

Những bệnh nhân bị cụt chi trên được đeo một găng tay dữ liệu đặc biệt và có các thiết bị cảm biến gắn với khủy tay và khớp cổ tay. Đối với các bệnh nhân bị cụt chi dưới thì các thiết bị cảm biến được gắn vào đầu gối và gân gót. Các cử động của đầu và cánh tay đều được giám sát.

Những người tham gia vào nghiên cứu này gồm 3 nam và 2 nữ có độ tuổi từ 56 đến 65. Nhóm bệnh nhân này gồm 3 người bị mất cánh tay và 2 người bị mất chân và họ bị mất các chi của mình cách đây từ 1 đến 40 năm về trước.

Nhóm nghiên cứu của trường đại học Manchester hy vọng rằng, sẽ có nhiều bệnh nhân hơn tham gia vào các nghiên cứu trong tương lai của họ, để họ xác định được những bệnh nhân có khả năng đạt được những ích lợi của hệ thống thực tại ảo mà họ phát triển này nhất.

T.V

Theo ScienceDaily, Sở KH & CN Đồng Nai
  • 522