Chăm sóc rối loạn tâm thần sau thiên tai

  •  
  • 353

Ở nước ta, trong năm 2006 có một số cơn bão đã gây thiệt hại nặng và để lại những tổn thương không ít về mặt tinh thần. Đề cập việc trợ giúp tâm lý đối với những người vừa trải qua thảm họa thiên tai, ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang -  Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - nói:

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang (Ảnh: TTO)

- Các rối loạn tâm thần - nhất là stress cấp - xảy ra ở hầu hết các bà mẹ và vợ của nạn nhân bị tử nạn. Vì vậy, sau nhu cầu hỗ trợ vật chất, họ còn cần được hỗ trợ rất lớn về mặt tâm lý. Sự kiện thảm họa là một tác động sang chấn tâm lý (stress) rất mạnh, cấp diễn, đột ngột, ảnh hưởng bao trùm đến nhiều người cùng lúc. Biểu hiện về cảm xúc dễ thấy là choáng váng, sững sờ, chết lặng, bơ vơ, tuyệt vọng, trộn lẫn cảm giác có lỗi, giận dữ, hụt hẫng...

Về nhận thức thì giảm trí nhớ, giảm sự chú ý, lú lẫn, mất định hướng, có ý nghĩ lộn xộn, không còn minh mẫn, giảm sự tinh tường, mất tự tin, không có khả năng quyết định. Phản ứng của cơ thể có những biểu hiện như chán ăn, mất ngủ, nhức đầu, giảm hứng thú về tình dục, mệt mỏi, năng suất lao động và học tập giảm sút. Phản ứng với xã hội cũng dễ thấy như co cụm bản thân, tránh né nơi xảy ra thảm họa, tránh né mọi người, dễ nảy sinh mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn với cộng đồng.

Các phản ứng stress cấp này tùy thuộc mức độ và tính chất của thảm họa và nhân cách, cơ địa, thể chất của từng cá nhân. Dĩ nhiên trạng thái phản ứng stress cấp có thể tan biến nhanh hay di chứng nặng nề về sau còn tùy thuộc nhiều yếu tố - trong đó có việc chăm sóc, hỗ trợ tâm lý.

* Nhưng các yếu tố nào có thể làm tăng nguy cơ cộng dồn stress?

- Sự cộng dồn có thể do các yếu tố trước thảm họa như: những vấn đề của cá nhân, xã hội còn tồn tại chưa giải quyết được. Các yếu tố trong thảm họa: xảy ra đột ngột, thảm họa quá tàn khốc, hậu quả quá nặng nề... Các yếu tố sau thảm họa đó là phản ứng tâm lý quá mạnh, không nhận được sự trợ giúp thỏa đáng hoặc bị tác động xấu từ người khác...

* Thưa BS, làm cách nào biết mình bị stress?

- Dễ nhận thấy nhất là rối loạn trầm cảm. Nhẹ thì có biểu hiện cảm thấy buồn, bất an, mất hứng thú, giảm tập trung chú ý, dễ mệt mỏi, chậm chạp, giảm tự tin, nhìn tương lai ảm đạm, rối loạn giấc ngủ, giảm tình dục, ăn không ngon miệng, chán ăn.

Nỗi đau mất mát này sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người dân ở những vùng vừa trải qua thảm họa thiên tai

Nỗi đau mất mát này sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người dân ở những vùng vừa trải qua thảm họa thiên tai (Ảnh: T.T.D)

Nặng thì nghĩ đến tự sát, tự hủy hoại bản thân.

* Vậy khi bị stress thì làm thế nào?

- Đây là nhiệm vụ chủ yếu của các thầy thuốc tâm thần. Các nhà tâm lý liệu pháp nên quản lý bệnh nhân (BN) rối loạn tâm thần sau thảm họa tùy theo từng bệnh cụ thể. Chẳng hạn BN bị rối loạn sau sang chấn thì dùng thuốc an định thần kinh phối hợp với tâm lý liệu pháp hành vi và nhận thức, đồng thời dùng liệu pháp thư giãn và thở sâu.

Đối với rối loạn trầm cảm cũng như rối loạn lo âu cần dùng thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm SSRI với liều thấp tăng dần trong khoảng 7- 10 ngày , duy trì 6 - 8 tuần, dùng thuốc an thần êm dịu nếu BN khó ngủ. Với BN có phản ứng tang tóc cần tư vấn về sự mất mát, điều trị bằng thuốc nếu có trầm cảm, lo âu, mất ngủ; đặc biệt là tạo cảm giác yên tâm bằng việc giải thích cho BN biết thảm họa đã được khắc phục, giải quyết tốt. Rất cần thiết giúp BN thay đổi lối sống, vui chơi giải trí, trợ giúp kinh tế, tâm lý liệu pháp tích cực. Nên khuyên BN tránh dùng các chất kích thích như rượu, trà, cà phê.

Người thầy thuốc không chỉ điều trị cho những người rối loạn tâm thần sau thảm họa thiên tai, mà còn phải là nhà lập kế hoạch và điều phối, tập hợp các đội tư vấn sức khỏe tâm thần tới giúp đồng bào. Cụ thể như: mở các buổi tập huấn kỹ năng ứng phó khi xảy ra thảm họa; tư vấn để người sống sót chăm sóc cho bản thân và gia đình; liên kết những người đồng cảnh với các nguồn lực trợ giúp, khuyên giải, an ủi và giải tỏa lo lắng .

KIM SƠN thực hiện

Theo Tuổi trẻ
  • 353