2/3 số người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh

  •  
  • 732

Máy đo đường huyết cá nhân.
Việt Nam hiện có xấp xỉ 2 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, khoảng 65% không hề biết mình có bệnh này. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh rất dễ gặp các biến chứng như mù lòa, tàn phế, đột quỵ…


Tiến sĩ Tạ Văn Bình, Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ tiểu đường đã tăng 10 lần ở các thành phố lớn. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, tốc độ phát triển tiểu đường ở Việt Nam còn cao hơn cả mức dự đoán của họ. Bệnh này thường xuất hiện ở tuổi ngũ tuần, nhưng hiện đang có xu hướng trẻ hóa. Rất nhiều thanh niên, thậm chí trẻ em cũng bị tiểu đường.

Các triệu chứng của tiểu đường là luôn thấy khát, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, sút cân đột ngột, hay bị nhiễm trùng (nhất là da, sinh dục và tiết niệu) và các vết thương lâu lành. Tuy nhiên, các triệu chứng ở bệnh nhân tiểu đường type 2 thường không điển hình.

Ai dễ bị tiểu đường?

- Tuổi trên 45.
- Có người trong gia đình bị tiểu đường.
- Cao huyết áp.
- Thừa cân, béo phì.
- Có rối loạn mỡ máu.
- Có rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường máu lúc đói.
- Từng sinh con quá 4 kg hoặc bị tiểu đường thai kỳ.

Vì vậy, rất nhiều người có bệnh mà không hề biết. Theo tiến sĩ Bình, sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người dân về bệnh là trở ngại lớn nhất trong điều trị tiểu đường hiện nay. Những người có nguy cơ cao tuy đã được cảnh báo nhưng vẫn chưa thực sự quan tâm, không kiểm tra sức khỏe định kỳ dể phát hiện và điều trị sớm. Thậm chí nhiều người đã được xác định có bệnh cũng không đi khám đều, tự ý dùng thuốc hoặc bỏ thuốc, khi đến bệnh viện thường đã có biến chứng, chẳng hạn như tai biến mạch máu não, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, hoại tử bàn chân, thậm chí phải cắt cụt chân, suy thận, liệt dương, mù lòa..

“Hãy kiểm tra đường huyết để biết mình ở trong vùng an toàn hay nguy hiểm, vì có thể đường huyết của bạn đang ở mức đáng sợ ngay cả khi bạn cảm thấy hoàn toàn bình thường” - tiến sĩ Bình nói. Chỉ số này cao hay thấp quá đều đem lại nỗi bất hạnh, dẫn đến hôn mê và thậm chí cả cái chết. Đường huyết tăng cao trên 8 mmol/dl có thể dẫn đến tổn thương tại nhiều bộ phận quan trọng như tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong 10 ca tử vong do tiểu đường type 2, có 7 người gặp biến chứng tim mạch, chủ yếu là đột quỵ và tai biến mạch máu não. Tiểu đường là một trong các nguyên nhân chính gây suy thận giai đoạn cuối, mùa lòa do bệnh võng mạc.

Giáo sư Lê Ngọc Trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, tiểu đường là căn bệnh đe dọa nghiêm trọng đến tính mang và gây nhiều biến chứng (cứ 2 bệnh nhân thì một có biến chứng). Từ thế kỷ 18 trở về trước, hầu hết người bị tiểu đường tử vong trong một thời gian ngắn do không có thuốc điều trị. Từ đầu thế kỷ 19, Fredric Banting đã khám phá ra insulin và loại thuốc này đã giành giật cuộc sống từ tay tử thần cho bênh nhân tiểu đường. Ngày sinh của ông (14/11) được chọn là ngày phòng chống tiểu đường thế giới.

Để hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống tiểu đường, sáng 12/11 tới, bệnh viện Nội tiết Trung ương sẽ tổ chức mít tinh tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) với chủ đề “Tránh xa vùng đường huyết nguy hiểm”. Tại đây sẽ có các chương trình miễn phí như đo đường huyết, tư vấn và hướng dẫn cách tự kiểm tra đường huyết tại nhà, tư vấn về chế độ dinh dưỡng, luyện tập để phòng chống tiểu đường.

Hải Hà

Theo VnExpress
  • 732