Báo động ung thư mắt

  •   32
  • 19.572

Do không phổ biến như các loại bệnh ung thư khác nên bệnh ung thư mắt còn ít người biết đến. Phần lớn người mắc bệnh này đến bệnh viện khi đã quá trễ và phải chịu múc bỏ mắt...

Năm 2006, BV Mắt TP.HCM nhận điều trị cho 372 bệnh nhân ung thư. Tại BV Ung bướu mỗi tuần gặp một vài ca, kể cả người lớn và trẻ em. Hầu hết, bệnh nhân đều đến giai đoạn phải múc toàn bộ mắt.

Quá muộn để bảo tồn mắt

Mắt của anh H. bị lồi ra như quả cam...
(Ảnh: BS. Anh Lê)

Các đây 6 năm, anh T.P.H, 43 tuổi ngụ tại phường An Lạc-Ninh Kiều-Cần Thơ bị lồi từ từ, mô dãn kéo dài. Anh đã đi điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới, nhỏ thuốc, nhưng mắt không bớt đau. Trước khi vào điều trị tại khoa Chấn thương Tạo hình BV Mắt TP.HCM, mắt của H. bị lồi nhiều do phù nề kết mạc (màng keo trong suốt phủ ở mặt trước nhãn cầu) và hết nhìn thấy. Bệnh nhân bị chảy nước mắt và đau nhức vô cùng.

Thị lực mắt phải đã bị mù hoàn toàn, mắt trái của bệnh nhân còn một chút cảm giác được sáng và tối.

Do bệnh nhân đã nhập viện quá trễ, ung thư ăn sâu vào dây thần kinh thị, làm mù mắt và đẩy mắt lồi to như quả cam ra ngoài hoàn toàn. Bệnh nhân đã bị khoét bỏ mắt phải. Nếu đến sớm, lúc mắt chưa lồi nhiều và chưa hư; tức là giác mạc (tròng đen) chưa bị khô loét thành sẹo do mắt không nhắm được, và khối u chưa chèn ép thị thần kinh làm hư hại thị lực..., bệnh nhân có thể hy vọng giữ được mắt nhờ điều trị bằng thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch kết hợp hoá trị.

Không chỉ người lớn, mà đối với những đứa trẻ, nhiều bậc cha mẹ ít để ý đến các bất thường ở mắt trẻ. Do đó, khi đến bệnh viện, bướu ung thư đã to và ăn lan vào dây thần kinh thị giác.

Trong buổi sáng 22/5, BS. Trần Chánh Khương, Trưởng khoa Ung bướu Nhi - BV Ung Bướu, khám cho 2 ca bệnh nhi đều đã bị múc bỏ một mắt. Hai bé đều bị ung thư nguyên bào võng mạc.

Một bé tên V.H.P, sinh 4/2006, quê ở Hà Tiên, Kiên Giang. Từ lúc 4 tháng, người nhà đã phát hiện trong con ngươi của mắt bé một bóng trắng đục. Sau khi khám đáy mắt, đo thị lực, siêu âm mắt..., các bác sĩ bệnh viện Mắt TP.HCM đã phát hiện bướu ung thư đã quá to, xâm lấn ra dây thần kinh thị, nên phải múc bỏ mắt phải.

Bé V.H.P đã bị múc bỏ mắt phải, và các bác sĩ nghi ngờ mắt trái của bé cũng bị ung thư. (Ảnh: H.Cát)

Bé P. được chuyển sang bệnh viện Ung bướu để tiếp tục điều trị bằng hoá trị. Bé đã hoá trị được 6 chu kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ theo dõi và nghi ngờ mắt trái của bé P. cũng đang bị ung thư, nên phải tiếp tục điều trị bằng tia lazer.

Bé thứ hai tên N.M.Q sinh năm 2005 ở huyện Cẩm Giàng - tỉnh Hải Dương, cũng bị múc bỏ mắt trái do bướu đã xâm lấn dây thần kinh thị vào ngày 12/2/2007. Bé Q cũng đang được vô hoá trị tại bệnh viện Ung bướu.

Xốn, cộm, đồng tử trắng: Báo hiệu ung thư

Ung thư mắt không nằm trong 10 ung thư thường gặp như vú, phổi, gan, dạ dày... Theo thống kê năm 2006 của bệnh viện Mắt TP.HCM, tổng số ung thư mắt nhập viện và điều trị là 372, trong đó người lớn chiếm 255. Còn tại BV Ung bướu, ung thư mắt là một bệnh hiếm, nhưng không phải là không gặp. Trung bình mỗi tuần đều có một vài ca kể cả người lớn và trẻ em nhập viện vì ung thư mắt.

"Thông thường khi đến bệnh viện, bệnh nhân đều có triệu chứng khối u rất rõ ràng, chèn ép gây đau nhức, mắt mờ, làm bong võng mạc (màng bao bọc bên trong con mắt), xuất huyết," BS Vũ Anh Lê, trưởng khoa Chấn thương Tạo hình BV Mắt TP.HCM, cho biết.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư nguyên bào võng mạc không rõ. Giới y học xác định, bệnh có liên quan đến tình trạng đột biến của gien Rb khi cháu nhỏ còn trong dạng phôi thai.

Nguyên nhân gây đột biến gien có thể là do tia phóng xạ, hoá chất, di truyền gia đình (chiếm 20%).

Loại ung thư mắt do di truyền thường xuất hiện sớm sau khi sinh và ở cả hai mắt. Vì vậy, cặp vợ chồng nào có một con bị ung thư mắt, đứa con thứ hai cũng có nguy cơ bị ung thư mắt rất cao.

Điều đau xót hơn hết khi mà, một năm qua, bệnh viện Mắt TP.HCM cùng bệnh viện Ung bướu có những phác đồ điều trị, giúp bệnh nhân giữ lại nhãn cầu và thị lực nếu bướu còn nhỏ, chưa ảnh hưởng đến thị lực của mắt. Đó là tiêm thuốc vào dưới kết mạc, kết hợp với điều trị bằng tia lazer.

Nhưng cứ 10 trẻ thì có 8 - 9 cháu buộc phải múc mắt để bảo vệ tính mạng. Tuy nhiên 50% vẫn có nguy cơ tử vong trong vòng từ 6 - 12 tháng nếu kết quả điều trị xấu

Ở người lớn, ung thư mắt có thể xuất phát từ kết mạc (màng bao bọc bên ngoài con mắt), xuất phát từ tuyến lệ, và ung thư phía sau mắt hay còn gọi là ung thư hậu nhãn cầu....

BS. Đặng Huy Quốc Thịnh, trưởng khoa Xạ 3 - BV Ung bướu TP.HCM, mô tả, bệnh nhân ung thư mắt khi vào đến bệnh viện thường có hình ảnh mắt bị lồi to như quả cam, quả quýt sần sùi, chảy máu và chảy dịch, hôi thối, và bắt đầu chạy hạch.

Trong khi đó, BS. Trần Chánh Khương cho biết, ung thư mắt, đặc biệt là ung thư nguyên bào võng mạc (xuất phát từ tế bào non của võng mạc), là ung thư xếp hàng thứ tư trong 10 ung thư thường gặp ở trẻ tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, chiếm 6,7% trong tổng số ung thư trẻ em dưới 15 tuổi.

"Đây là một ung thư hay gặp ở trẻ con dưới 3 tuổi, và biểu hiện ban đầu là một đốm trắng ở tròng đen của mắt. Ung thư nguyên bào võng mạc cũng là một trong những nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em," BS Khương nói.

Hiện nay, trên thế giới bệnh ung thư mắt có thể chữa lành từ 80 - 98%, vừa bảo tồn được mắt cả về thị lực lẫn thẩm mỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đa phần bệnh nhân khi vào viện đều bị múc mắt do đến quá trễ.

Do đó, đối với người lớn khi mắt có vấn đề như xốn, cộm... phải đi khám ngay vì nếu đó không phải là dấu hiệu báo động bệnh ung thư thì vẫn còn nhiều bệnh khác liên quan đến thị lực của mắt.

Còn đối với bệnh ung thư nguyên bào võng mạc trẻ em, đốm trắng ở con ngươi là dấu hiệu quan trong của ung thư mắt. Ngoài ra, 25% bố mẹ phát hiện thay con bị lé bất thường, tình trạng ngày càng rõ cũng có thể là triệu chứng của ung thư. Trẻ tự nhiên không đọc rõ chữ, học vấn đột ngột sút giảm... hãy đưa trẻ đi khám, để có cơ may khỏi bệnh.

"Nếu các bậc cha mẹ chú ý bất thường ở tròng đen của con trẻ, đưa đến bệnh viện và điều trị đúng đắn, 80% kết quả sáng sủa," BS. Khương khuyên.

Hương Cát

Cập nhật: 28/03/2019 Theo VietNamNet
  • 32
  • 19.572