Châu Á: Phải loại bỏ sự kỳ thị với người nhiễm HIV!

  •  
  • 724

Các trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế tuyên bố châu Á đã có những bước tiến trong việc ngăn chặn HIV. Tuy nhiên, cần phải loại bỏ những thái độ kỳ thị với những người bị nhiễm HIV nhằm đạt được một kết quả hoàn thiện hơn.

Mới đây, phát biểu trước thềm hội nghị quốc tế gồm 5.000 nhà nghiên cứu về HIV/AIDS được tổ chức ở Sydney, chuyên gia hàng đầu của Mỹ, ông Athony Fauci và người tương nhiệm có quốc tịch Australia, ông David Cooper cho biết HIV vẫn còn là một mối nguy cho sức khoẻ cộng đồng ở châu Á.

Theo Fauci, các cơ quan y tế địa phương, vốn chậm chạp trước những lời cảnh báo, đã thực hiện những chính sách tiên phong và đã cho thấy những dự đoán trước đó về sự huỷ diệt của HIV ở châu Á sẽ xảy ra như ở châu Phi là không đúng.

Tuy nhiên ông cũng cho rằng một nguy cơ tiềm tàng về một đại dịch vẫn còn tồn tại ở châu Á, một khu vực có 8 triệu người bị nhiễm HIV mà theo như cơ quan cứu trợ USAID thì nó có thể tăng lên đến 40 triệu người vào năm 2010.

Theo ông, mật độ dân số ở châu Á, như Ấn Độ và Trung Quốc với 1 tỷ người mỗi nước, quá cao khiến cho tỷ lệ lây nhiễm có nguy cơ tăng cao và tiềm ẩn trong đó một thảm họa.

Người mẫu đội mũ có đính bao cao su trong một cuộc trình diễn thời trang phòng chống HIV/AIDS tổ chức ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP)

Cooper, đồng Chủ tịch Hội nghị cộng đồng AIDS quốc tế (IAS) cho rằng, những thái độ phản ứng của xã hội với người bị nhiễm HIV ở châu Á rất phức tạp với thực tế là nhiều người nhiễm HIV vẫn bị tách biệt ngoài rìa xã hội và phải đối mặt với những phân biệt đối xử.

Ông nói: “Chúng ta sẽ không có những đại dịch lớn và rộng rãi như từng xảy ra ở vùng hạ Sahara châu Phi mà chúng ta sẽ có những đại dịch bùng nổ ở diện nhỏ hơn”. “Chúng sẽ xảy ra ở những người nghiện ma tuý, những nam đồng tính, những người làm nghề bán dâm hay những người làm những công việc phải đi xa nhiều, dễ có xu hướng đi mua dâm như tài xế lái xe, thuỷ thủ v.v.”

Ở châu Á, nhiều người thường có thái độ phân biệt đối xử và bêu xấu người khác. Lề thói này chĩa vào những người dễ bị tổn thương và khiến cho việc chăm sóc y tế không được đảm bảo”.

Năm ngoái Trung Quốc ước tính có 650.000 ca nhiễm HIV, tuy nhiên các quan chức Liên Hợp quốc ước tính con số này thực sự cao hơn thế.

Một bài báo mới đăng trên tạp chí y học The Lancet của Anh đã đánh giá cao những chương trình phòng chống HIV/AIDS của Trung Quốc như các chiến dịch thay đổi nhận thức giữa những người đàn ông đồng tính. Tuy nhiên Liên Hợp quốc cho rằng họ vẫn còn những rào cản trong việc đương đầu với vấn nạn này ở cấp địa phương.

Ấn Độ, nơi có số người bị nhiễm HIV ước tính vào tháng này đã giảm một nửa còn 2,5 triệu người, chính phủ cũng sẽ phải chú ý tới những nhóm người có nguy cơ mà Cooper đã xác định.

Anjali Gopalan, lãnh đạo tổ chức Naz Foundation cho biết họ đang thảo luận về việc nâng cấp các chương trình về những nhóm người bị nằm ngoài rìa xã hội.

Theo ông, người Ấn Độ bị nhiễm HIV vẫn còn bị xã hội ruồng bỏ. Khi có kết quả xét nghiệm của bác sỹ thì các bệnh nhân bị lảng tránh, trẻ em bị nhiễm HIV dương tính bị cản trở không được đến trường cùng những trẻ em khác.

Ở Campuchia, một trong những nước có số người mắc HIV/AIDS cao nhất, các cơ quan chức năng cũng đã quan tâm đến hiện tượng phân biệt đối xử khiến cho virus dễ dàng lây lan này.

Châu Á cần phải loại bỏ sự kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV! (Ảnh: AFP)

Sự kỳ thị khiến cho chúng tôi gặp khó khăn trong việc phòng chống AIDS” “vì chính thái độ kỳ thị của xã hội đã khiến cho người bị lây nhiễm giấu bệnh và điều này vô hình làm tăng nguy cơ lây nhiễm”, Ly Peng Sun, Phó giám đốc trung tâm quốc gia HIV/AIDS và các bệnh da liễu phát biểu.

Việt Nam đã đưa ra luật chống kỳ thị với người bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, một số chủ lao động vẫn viện cớ để sa thải những công nhân bị nhiễm virus này.

Eammon Murphy, giám đốc UNAIDS đánh giá về điều luật này: “Nếu luật mới này được thực thi thành công thì nó sẽ không chỉ phục vụ như một tấm lá chắn cho những quyền căn bản cho những người phải sống chung với HIV mà còn là một công cụ tích cực để chống lại thái độ kỳ thị và lề thói đàm tiếu người khác” ,

Thái Lan cũng đã áp dụng một biện pháp khác nhằm xóa bỏ những điều cấm kỵ liên quan đến HIV với những chiến dịch giáo dục đổi mới tư tưởng như cảnh sát giao thông phân phát bao cao su cho người dân, một sáng kiến có tên gọi “Corps and Rubbers” (Cảnh sát và bao cao su)

Đất nước này đã phải chứng kiến nửa triệu người chết vì AIDS và có từng đó số người nhiễm HIV đã giảm tỷ lệ lây nhiễm kể từ khi họ chỉ định một cơ quan hợp tác cấp chính phủ giám sát những nỗ lực phòng chống AIDS .

Bên cạnh đó họ còn đẩy mạnh việc tiếp cận các nhà sản xuất thuốc quốc tế cung cấp thuốc HIV đắt hơn và mới hơn để điều trị cho các bệnh nhân đã kháng thuốc cũ.

Hằng Minh

Theo AFP, VietNamNet
  • 724