Thế giới đang đối đầu với nhiễm độc thạch tín

  •  
  • 568

Khoảng 140 triệu người, chủ yếu là ở các nước đang phát triển, đang bị ngộ độc thạch tín (arsenic) có trong nước uống sinh hoạt.

Ngày 30/8, BBC cho biết, tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia (Royal Geographical Society - RGS) ở thủ đô Luân Đôn - Anh, các nhà khoa học cảnh báo ngộ độc thạch tín sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho số người bị ung thư gia tăng trong tương lai.

Khu vực Nam và Đông Á sẽ chiếm hơn một nửa số trường hợp bị ung thư vì thạch tín. Sức khỏe của người dân sống ở khu vực này sẽ bị đe dọa bởi có thể hàng ngày họ đã tiêu thụ một lượng lớn các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa gạo, được trồng ở những vùng nhiễm thạch tín.

Nhân viên Phòng Phân tích Hoá - Quang phổ (Viện Địa chất, Hà Nội) đang kiểm tra mẫu nước cho khách hàng. Đây cũng là nơi đã nghiên cứu, chế tạo bộ kit xét nghiệm nhanh nước bị nhiễm thạch tín (Ảnh: M. Sơn/VNN)

"Ngộ độc thạch tín là một vấn đề toàn cầu. Nó hiện diện ở 70 quốc gia và có thể hơn," Peter Ravenscroft, một nhà địa lý học thuộc ĐH Cambridge, nói. Ông nói thêm rằng, nếu áp dụng những tiêu chuẩn nước sinh hoạt của Châu Âu và Bắc Mỹ, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy khoảng 140 triệu người trên khắp toàn cầu đang nằm trong tình trạng báo động.

Thạch tín có thể dẫn đến nguy cơ của rất nhiều căn bệnh ung thư, bao gồm bướu phổi, ung thư bàng quang, ung thư da... Theo các nhà khoa học, về lâu dài, cứ 10 người dùng nước có chứa thạch tín, thì sẽ có một người tử vong. So với bất cứ một loại ô nhiễm môi trường nào, ô nhiễm thạch tín thực sự dẫn đến tỷ lệ tử vong cao nhất.

Vào những thập niên 1980, nước nhiễm thạch tín đã bắt đầu trở thành mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, với nhiều tài liệu từ các cộng đồng dân cư bị ngộ độc ở Bangladesh và Tây Bengal - Ấn Độ.

Sau đó, nhiều nhóm người bị ngộ độc thạch tín được tìm thấy ở các nước châu Á khác như Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, ở Nam Mỹ và châu Phi. Mặc dù ở Bắc Mỹ và châu Âu ít chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, từ nhiều mẫu nước giếng ở nước Anh, người ta cũng phát hiện ra thạch tín.

Tại Việt Nam, vào giữa năm 2006, Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) đã có phê duyệt đề án ’’Giảm thiểu tác hại của thạch tín trong nguồn nước sinh hoạt ở VN’’. Mục tiêu của đề án là xác định mức độ nhiễm thạch tín trong các nguồn nước sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc; khoanh vùng nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng thạch tín vượt tiêu chuẩn cho phép.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc sử dụng nguồn nước nhiễm thạch tín tới sức khoẻ cộng đồng. Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác hại của nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm thạch tín.

Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 17,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2,5 năm (2006 - 2008). Bên cạnh đó, các nhà khoa học trong nước cũng đã có những đề tài nghiên cứu giúp người dân xác định nhanh nước nhiễm thạch tín nhằm tránh những tác hại từ việc dùng nước bị ô nhiễm.

Hương Cát

Tổng hợp từ BBC, VNN và thông tin từ các báo trong nước

  • 568