Dùng ớt để bào chế thuốc gây tê

  •  
  • 1.766

Một loại thuốc tê mới, trong đó chất capsaicin trong ớt đóng vai trò quan trọng, vừa được thử nghiệm thành công trên chuột. Theo các chuyên gia Mỹ, liệu pháp mới này có khả năng khắc phục nhược điểm của các loại thuốc gây tê hiện nay.

Chỉ nhắm vào thần kinh cảm nhận đau

Thuốc gây tê đầu tiên ra đời năm 1846, tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong ngành phẫu thuật. Nhưng suốt từ đó đến nay, hầu như không có thay đổi gì quan trọng trong lĩnh vực gây tê.

Capsaicin trong ớt có vai trò quan trọng trong thuốc gây tê mới vừa được thử nghiệm thành công trên chuột. (Ảnh: Wikipedia)

Phương pháp gây tê hiện nay gây ức chế tất cả các tế bào thần kinh, chứ không phải chỉ các tế bào thần kinh cảm giác. Đó là lý do tại sao có trường hợp sau khi chữa răng xong, bệnh nhân bị tê cóng ở miệng và tạm thời không cử động được một số cơ.

Để khắc phục nhược điểm đó của các loại thuốc gây tê hiện nay, các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra cách để thuốc tê chỉ ảnh hưởng đến những tế bào thần kinh cảm nhận đau, mà không đụng chạm gì đến những tế bào thần kinh xúc giác hay vận động.

Capsaicin “mở đường” cho QX-314

Nhóm nghiên cứu đã tiêm cho chuột những liều thuốc có chứa capsaicin, một thành phần hoạt tính tạo vị cay của ớt, và QX-314, một chất dẫn xuất của chất gây tê Lidocaine.

Khi được sử dụng kết hợp, capsaicin và QX-314 sẽ ức chế hoạt động của những tế bào thần kinh cảm nhận đau, cụ thể là không cho chúng truyền tín hiệu “Ôi, đau quá!” lên não. Nhưng chúng không gây ảnh hưởng gì đối với những tế bào thần kinh khác.

Lidocaine can thiệp vào sự hoạt động điện trong tất cả các tế bào thần kinh. Nhưng chất dẫn xuất QX-314 từ lidocaine thì không thể tự xâm nhập vào màng tế bào để khống chế các hoạt động điện trong đó.

Trong khi đó, capsaicin có khả năng làm hở các lỗ nhỏ chỉ có ở màng tế bào thần kinh cảm nhận đau. Qua những chỗ hở do capsaicin mở ra, QX-314 sẽ thâm nhập vào màng tế bào và làm vô hiệu các tế bào thần kinh cảm nhận đau.

Sẽ sớm thử nghiệm trên con người

Cấu trúc 3 chiều của capsaicin – “người mở đường” cho QX-314 ức chế hoạt động của những tế bào thần kinh cảm nhận đau. (Ảnh: 3dchem.com)

Tiến sĩ Clifford Woolf của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng phương pháp này có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong lĩnh vực gây tê.

Theo nhóm nghiên cứu, thuốc gây tê mới này có thể trở thành một công cụ hữu hiệu trong điều trị nha khoa, mổ đầu gối và các khớp, các chứng đau nhức mãn tính và cả trong sinh sản. Với thuốc tê này, sản phụ khi sinh con sẽ không có cảm giác đau, nhưng vẫn cử động được đôi chân và cảm nhận được quá trình đứa con được đưa ra khỏi cơ thể mẹ.

Ngoài ra, thuốc gây tê này cũng có thể được vận dụng để điều trị ngứa do chàm bội nhiễm, dị ứng với cây sơn độc (poison ivy) hay các tác nhân khác. Sau các thử nghiệm thành công trên chuột, nhóm nghiên cứu hy vọng thuốc gây tê này cũng sẽ mang lại hiệu quả tương tự nơi con người.

Chuyên gia Bruce Bean, thuộc trường Y khoa Harvard, phát biểu: “Về nguyên tắc, các tế bào thần kinh cảm nhận đau ở chuột và người có sự tương đồng ở mức đủ để chúng ta sử dụng cùng một liệu pháp gây tê”.

Tiến sĩ Woolf lạc quan cho rằng những thử nghiệm đầu tiên trên con người sẽ được thực hiện trong vòng 2 -3 năm nữa.

Quang Thịnh

Theo Reuters, BBC
  • 1.766