Ô nhiễm khiến trẻ tổn thọ 5 tuổi

  •  
  • 117

Châu Á đang phải trả giá đắt cho sự phát triển kinh tế nóng: ô nhiễm không khí trầm trọng và trẻ em trở thành nạn nhân chính. Một bác sĩ Thái lan khẳng định hiện số bệnh nhi bị suyễn và suy hô hấp nhiều hơn 3-4 lần so với trước đây.

Tại Trung tâm y tế Makati ở Manila (Philippines), bác sĩ Miguel Celdran với 45 năm trong nghề cho biết gần 90% bệnh nhân trẻ em mắc bệnh đường hô hấp. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất của ông là một bé trai hai tháng rưỡi. “20 năm trước khó mà thấy bệnh suyễn cuống phổi ở trẻ em dưới một tuổi” - ông nhấn mạnh.

Những ví dụ tương tự không khó tìm ở các quốc gia châu Á. Bệnh viện Lakeside ở Bangalore, Ấn Độ, thống kê được khoảng một nửa trong số 9.000 bệnh nhi nhập viện vào đây là bị suyễn hoặc các bệnh khác về hô hấp. Trong khi đó ở Delhi, một thăm dò đối với 20.000 học sinh cho thấy cứ 8 em thì có 1 em bị suyễn. Trẻ em ở đô thị của Trung Quốc cũng đang phải hít thở bầu không khí độc hại tương đương với việc hút 2 bao thuốc mỗi ngày.

Ở Bandung, Indonesia, cuộc kiểm tra 62 học sinh cho thấy gần phân nửa có nồng độ chì cao trong máu rất nguy hiểm vì hít thở không khí chứa khí thải xe máy. Đáng chú ý là có sự khác biệt giữa cơ quan hô hấp cũng như cân nặng của trẻ em và người lớn nên cùng hít thở một bầu không khí ô nhiễm nhưng trẻ em sẽ bị nguy hại đối với sức khỏe cao hơn so với người lớn.

Ở châu Á hiện có khá nhiều chương trình của chính phủ và tư nhân nhằm cắt giảm nồng độ ô nhiễm, một trong số đó là việc phổ biến các lò nấu ăn không dùng than củi. Tuy nhiên giới chuyên gia sức khỏe cho rằng trẻ em vẫn phải tiếp tục hít thở khí trời ô nhiễm nếu chính phủ các nước không áp đặt các quy định chặt chẽ về khí thải công nghiệp và xe cộ.

Tiến sĩ Anthony Hedley thuộc ĐH Hong Kong cho biết từ năm 1990, chỉ vài tháng sau khi chính quyền địa phương này quy định giảm mạnh nồng độ lưu huỳnh trong nhiên liệu chạy xe, chức năng phổi của học sinh đã được cải thiện rõ rệt. Tiến sĩ Hedley cho rằng một “kỷ nguyên tăm tối” đang đến. Ông cảnh báo: “Nếu không có những giải pháp quyết liệt, trẻ em châu Á sẽ bị tổn thọ khoảng 5 tuổi hoặc hơn thế nữa”.

Theo Tuổi Trẻ
  • 117