Lần đầu tiên Việt Nam nắn xương bằng siêu âm

  •  
  • 776

Trước nay, bệnh nhân gãy xương thường được chụp X quang, nắn rồi bó bột. Tuy nhiên, vì chỉ sờ được bên ngoài nên nhiều khi bó rồi mà vẫn lệch, phải đập đi bó lại nhiều lần. Kỹ thuật dùng siêu âm hoàn toàn mới của bác sĩ Vũ Công Tâm, Bệnh viện Nhi Đồng Nai, sẽ loại bỏ được khó khăn này.

"Việc chỉ sờ được bên ngoài chỗ gãy rồi bó bột ngay dẫn đến xương có thể bị lệch, nhiều khi tưởng thẳng rồi mà vẫn chưa thẳng, bó xong lại phá ra đập lại. Có em bó đến 3 lần vẫn không ổn, đành phải mổ. Tôi thấy bức xúc quá nên đã quyết tâm nghĩ ra phương pháp khác", bác sĩ Tâm kể lại lý do khiến anh cho ra đời kỹ thuật mới này.

Hình ảnh xương gãy nhìn trên máy siêu âm. (Ảnh: bác sĩ Tâm cung cấp)

Theo bác sĩ Tâm, dùng siêu âm sẽ cho phép nhìn thấy hình ảnh của xương, nếu xương không thẳng thì trên siêu âm cũng không thẳng. Khi đó, bác sĩ có thể vừa quan sát trên màn hình vừa nắn chỉnh đến khi xương khớp với nhau thì mới tiến hành bó bột. Do vậy việc nắn sẽ hiệu quả và khoa học hơn, bệnh nhân không phải bó đi bó lại nhiều lần, và nhất là không cần dùng đến tia X (loại tia nguy hại có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh dục hoặc bà mẹ mang thai).

So với hình ảnh rất rõ nét khi chụp X-quang, hình ảnh của siêu âm khó nhìn hơn một chút. Tuy nhiên, "bản thân tôi không chuyên về siêu âm mà vẫn nhìn được xương gãy, chứng tỏ kỹ thuật này không đòi hỏi trình độ siêu âm cao, và các đồng nghiệp của tôi cũng có thể thực hiện được", anh Tâm bộc bạch.

Được áp dụng ở Bệnh viện Nhi Đồng Nai từ tháng 3/2004 tới nay trên gần 100 ca, kỹ thuật mới cho hiệu quả 94-95%, cao hơn nhiều so với kỹ thuật X-quang, vì sửa trực tiếp tại chỗ. Chỉ có 2 ca đầu tiên phải nắn lại do chưa có kinh nghiệm. Cũng theo vị bác sĩ trẻ, nắn xương bằng siêu âm có tiềm năng ứng dụng rộng rãi, vì máy siêu âm hiện nay rất phổ biến, hầu như các bệnh viện tuyến xã trở lên đều có.

Đây là đề tài đầu tiên thuộc loại này ở Việt Nam. Còn trên thế giới, mới chỉ có một công trình tương tự của tác giả người Ireland, tuy nhiên công trình của bác sĩ Tâm là nghiên cứu hoàn toàn độc lập. Tối 19/1, kỹ thuật nắn xương bằng siêu âm của bác sĩ Tâm đã được trao giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc 2005.

Cũng trên cơ sở siêu âm, bác sĩ Tâm đang phát triển một kỹ thuật rất mới để điều trị cho những trường hợp gãy xương không thể nắn vì vết gãy trên cao (như gần háng) hoặc gẫy xéo, bắt buộc phải mổ.

Nếu như trước đây, trong những ca như thế này, bệnh nhân phải mổ hở, chẳng hạn khi gãy xương gần háng, người ta phải mổ banh đùi (vết mổ dài khoảng 14 cm), moi hai đầu xương ra ngoài, rồi đóng đinh vào nội tuỷ. Với kỹ thuật này, bệnh nhân mất nhiều máu (trên 300 ml), nguy cơ nhiễm trùng cao, chi phí tốn kém, thời gian nằm viện lâu và hậu phẫu đau đớn.

"Kỹ thuật của mới của chúng tôi khắc phục được tất cả những nhược điểm đó", bác sĩ Tâm cho biết.

Kỹ thuật của anh được đặt tên là mổ xâm hại tối thiểu, với vết mổ chỉ dài 1 cm ở gối, vừa đủ chỗ để đút cây đinh vào. Sau đó, bác sĩ luồn đinh lên chỗ gãy, dùng siêu âm để chỉnh xương thẳng và đóng đinh vào là xong. Bệnh nhân chỉ mất có 20 ml máu, thời gian nằm viện rất ngắn (tối đa là 7 ngày), thực ra chỉ sau 2 ngày bệnh nhân đã có thể xuất viện. Ngoài kỹ thuật này cũng không cần dùng X-quang, mà chỉ chụp lại để kiểm tra.

Bác sĩ Tâm cho biết, tuy kỹ thuật này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm tại bệnh viện, và mới chỉ thực hiện trên một chục bệnh nhân, song đã được các chuyên gia nhận định "đây là kỹ thuật mới nhất, thế giới chưa từng có, có thể đưa đi báo cáo quốc tế". Anh dự định năm tới sẽ đưa kỹ thuật này đi dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Với những công trình mang tính đột phá như vậy, song bác sĩ Tâm hoàn toàn không nghĩ đến chuyện bản quyền hay kinh tế. Anh chỉ mong sao thật nhiều bệnh viện và bệnh nhân biết đến và được chữa trị bằng phương pháp này.  

Bích Hạnh

Theo Vnexpress
  • 776