Làm gì khi bé bị táo bón?

  •  
  • 1.416

Trẻ bị táo bón không nên ăn cà rốt, hồng xiêm, táo.. Khi nấu bột và cháo, cần băm nhỏ rau và cho bé ăn cả cái.

Trẻ lớn đại tiện dưới 2 lần mỗi tuần thì bị coi là táo bón. (Ảnh: VNE)
Táo bón không phải là bệnh mà là một triệu chứng thường gặp ở trẻ. Cần nghĩ tới chứng táo bón khi trẻ sơ sinh, nếu đại tiện dưới 2 lần một ngày, trẻ bú mẹ đi dưới 3 lần/ngày và trẻ lớn đi dưới 2 lần/tuần.

Táo bón nếu không được điều trị sẽ dẫn đến hậu quả biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, trướng bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, nôn trớ... Những chất độc trong phân cần được thải ra ngoài hằng ngày, nếu bị tích lại sẽ bị ruột hấp thu trở lại vào máu, gây hại cho sức khỏe.

Khi trẻ bị táo bón, cần cho trẻ ăn đủ số lượng hằng ngày, ăn nhiều rau xanh, nhất là các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền. Khi nấu bột và cháo, phải băm nhỏ rau và ăn cả cái. Cho trẻ ăn bưởi, cam, quýt, (cả múi) thanh long, chuối tiêu, đu đủ... Khi bị táo bón, không nên cho con ăn cà rốt, hồng xiêm, táo... Có thể dùng nước cốt khoai lang sống cho trẻ uống.

Nếu trẻ ăn sữa bò bị táo bón thì nên pha sữa loãng hơn bình thường một chút, hoặc dùng nước cháo pha sữa cho trẻ từ 5 tháng trở lên. Cho trẻ uống thêm nước rau hoặc quả nghiền, ngày 3-4 lần.

Mẹ bị táo bón cho con bú thì phải điều trị cho mẹ bằng cách ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước. Có thể tác động bên ngoài cho con bằng cách xoa bụng theo khung đại tràng từ phải sang trái ngày 3-4 lần hằng ngày, vào giữa 2 bữa ăn để kích thích nhu động ruột.

Khi điều trị bằng chế độ ăn không hiệu quả thì mới dùng thuốc và thụt tháo theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong những trường hợp sau phải đưa trẻ tới bệnh viện:

- Táo bón kéo dài trên một tuần.

- Thay đổi chế độ ăn không có tác dụng.

- Táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng trướng.

- Táo bón gây kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn...

Theo TN/Vnexpress
  • 1.416