Những tương tác nguy hiểm giữa rượu và thuốc

  •  
  • 2.112

Rượu là một dung môi hữu cơ. Thuốc cũng phần lớn là các chất hữu cơ, rất dễ hòa tan vào nhau, tạo nên một hỗn dịch có thể là tương hợp hoặc tương kỵ trong cơ thể con người.

 
Theo các nhà tương tác học thì rượu có tương tác với hàng trăm thuốc và dẫn xuất của nó. Có rất nhiều tương kỵ gây nên nhiều triệu chứng, bệnh lý như ức chế thần kinh trung ương, ức chế hô hấp, tăng hoặc hạ huyết áp, giãn mạch, tim đập nhanh, tăng hoặc hạ thân nhiệt, buồn nôn, ban đỏ, trụy tim mạch, thiểu năng tế bào gan, độc với gan, hạ đường huyết, tăng acid uric máu, xơ hóa gan, kích ứng tiêu hóa gây xuất huyết...

Tùy thuộc vào lượng rượu uống có thể đưa đến những triệu chứng lâm sàng, bệnh lý nặng nề có thể gây tử vong.

Dưới đây là một số tương kỵ thường gặp khi uống thuốc đồng thời uống rượu và ngược lại:

Hiệu ứng antabuse: Rượu tạo nên một tỷ lệ bất thường acetaldehyd tích lũy ở mô (ức chế enzym) kéo theo các dấu hiệu làm tăng như cơn vận mạch, giãn mạch nặng, nhịp tim nhanh, thân nhiệt tăng cao, buồn nôn, nôn, phát ban da, có thể gây hạ huyết áp, trụy tim mạch có thể đưa đến tử vong. Hiệu ứng này xảy ra với các thuốc sau đây:

  • Các thuốc chống nấm dẫn xuất imidzol, đặc biệt với các loại thuốc uống (ketoconazol, miconazol, tinidazol...).
  • Các thuốc biguanid và dẫn xuất trị tăng đường huyết như buformin, metformin.
  • Các cephalosporin có cấu trúc nhân tetrazol như cefamandol, latamoxef, cefoperazon, cefmenoxim...
  • Các sulfamid trị tăng đường huyết như glibenclamid, gliclazid, glipizid, gliquidon, tolbutamid...
  • Với các thuốc khác như isoniazid (trị lao), griseofulvin (thuốc trị nấm), nitrofural (kháng sinh tổng hợp nhóm nitrofuran), các phenicol (kháng sinh như chloramphenicol), procarbazin (tác nhân kìm tế bào tân sinh) cũng gây hiệu ứng antabuse.

Ức chế thần kinh trung ương, gây tăng an thần, ngủ sâu đến hôn mê với các thuốc sau đây:

Amantadin, thuốc trị virut cúm típ A2 và trị triệu chứng Parkinson; các chất chủ vận morphin; thuốc trầm cảm 3 vòng; thuốc chống động kinh không barbituric như natri valproat; các thuốc kháng histamin H1 làm dịu; barbituric (thuốc ngủ); các benzodiazepin gây an thần, giải lo âu gây ngủ, giãn cơ chống co giật; các carbamat; carbamazepin (thuốc trị động kinh); dantrolen (thuốc thư giãn cơ); dextropropoxyphen (thuốc giảm đau); fluoxetin (thuốc trị trầm cảm); fluvoxamin (thuốc trị trầm cảm không an thần); glutethimid (an thần, gây ngủ); interferon alfa (thuốc trị virut); mianserin (thuốc trị trầm cảm); medifoxamin (thuốc trị trầm cảm); methyldopa (trị tăng huyết áp); oxaflozan (thuốc trị trầm cảm); primidon (thuốc trị động kinh).

Có thể nói để dễ nhớ, tương kỵ giữa rượu (kể cả những chế phẩm có chứa rượu) và các thuốc gây nên ức chế thần kinh trung ương đến mức chống chỉ định tuyệt đối là các thuốc gây ngủ, an thần, thuốc trị động kinh, thuốc chống trầm cảm và thuốc kháng histamin H1 làm dịu.

Lại càng phải được chú ý với người đứng máy, người lái xe, người làm việc trên cao hoặc làm việc nơi nguy hiểm, người đang cần tập trung tinh thần, tư tưởng cho công việc.

Độc với gan: Gan là cơ quan có nhiều chức năng đối với quá trình chuyển hóa, tham gia vào nhiều cơ chế duy trì và điều hòa hoạt động của cơ thể để duy trì sự hằng định (tương đối) ở máu, nhất là vai trò thải độc của cơ thể.

Rượu, bản thân nó đã là kẻ thù của gan, nếu dùng cùng lúc với các dẫn xuất imidazol, đặc biệt với ketoconazol (thuốc chống nấm) nguy cơ độc với gan tăng rất cao, với các dẫn xuất biguanid (thuốc trị đái tháo đường) gây thiểu năng tế bào gan. Hầu hết các thuốc gây hiệu ứng antabuse trên đây đều cũng gây độc với gan. Ngoài ra còn methotrexat do cộng hợp tác dụng phụ rất độc với gan gây xơ hóa gan, với paracetamol dùng liều cao và dài ngày làm tăng chất chuyển hóa độc với gan.

Hạ đường huyết quá mức: Nhất là uống rượu lúc đói trong khi có dùng các biguanid (metformin, buformin...) các sulffamid hạ đường huyết (xem trên đây), đặc biệt insulin sẽ gây hạ đường huyết nặng nề biểu hiện toát mồ hôi, chóng mặt, đánh trống ngực, đói cồn cào, run rẩy, bồn chồn, tê tay chân, lưỡi, môi, choáng váng, nhức đầu, lơ mơ, mắt mờ. Có thể bị kích thích bất thường, nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê, co giật và nguy cơ tử vong.

Hạ huyết áp: Rượu cùng với các thuốc chủ vận morphin không những gây ức chế thần kinh trung ương, tăng an thần, ức chế hô hấp mà còn gây hạ huyết áp. Các thuốc dẫn xuất nitrat như nitroglycelin và các thuốc trị tăng huyết áp gây giãn mạch, chống đau thắt ngực đều làm hạ huyết áp quá mức. Với guanethidin gây hạ huyết áp thế đứng, có thể ngã, với viloxazin, nicorandil không những gây hạ huyết áp mà còn có thể dẫn tới sốc rất nguy hiểm.

Độc tính với dạ dày: Bản thân rượu cũng đã độc với dạ dày. Thật sai lầm là một số người dùng aspirin để giải những cơn say. Xin lưu ý rằng các dẫn xuất của salicylat (như aspirin) trong môi trường rượu sẽ gây kích ứng tiêu hóa dẫn đến xuất huyết. Với colchicin, một thuốc đặc hiệu trị bệnh gút, cùng với rượu không những độc với dạ dày ruột mà còn làm giảm tác dụng điều trị kèm theo tăng acid uric máu.

Còn khá nhiều thuốc khác nữa nên tránh dùng đồng thời với rượu như thuốc chống đông máu kháng vitamin K (làm giảm tác dụng), với etretinat gây tăng lipid máu, với các thuốc ức chế monoamino oxydase không chọn lọc gây hiệp đồng ức chế thần kinh trung ương, với các thuốc mê bay hơi halogen gây đối kháng tác dụng gây ngủ...

Trên đây là nói tương kỵ giữa thuốc và rượu nhưng là rượu “sạch”. Nhưng nếu lại dùng phải rượu “bẩn”, rượu có nhiều tạp chất như ceton, aldehyd, chất bay hơi, đặc biệt là methanol và các chất khác lạ làm cho nó bốc thì sự nguy hại ấy sẽ tăng lên gấp bội.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
  • 2.112