Quả hạnh nhân có tác dụng chữa bệnh tiểu đường

  •  
  • 9.173

Theo bác sỹ Ritesh Gupta, Bệnh viện Fortis C ở New Delhi, việc ăn quả hạnh nhân (almond) có tác dụng giảm lượng cholesterol và cải thiện khả năng sản xuất insulin của cơ thể và giúp đẩy lùi bệnh tiểu đường.

Quả hạnh nhân giàu chất xơ, protein và cung cấp nhiều năng lượng. Một nhúm quả hạnh nhân chứa 164 calory năng lượng, 7Gm protein có thể giúp cơ thể khắc phục cảm giác đói và giúp con người kiểm soát được lượng thức ăn. Quả hạnh nhân cũng giúp phát triển bộ xương khỏe mạnh ở trẻ em đang lớn.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường đại học y và nha khoa tại New Jersey, Trường West Chester University ở Pennsylvania và Trường Loma Linda University ở California (Mỹ) cũng đều khẳng định nếu ăn quả hạnh nhân thường xuyên có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.

Quả hạnh nhân giàu chất xơ, protein và cung cấp nhiều năng lượng
Quả hạnh nhân giàu chất xơ, protein và cung cấp nhiều năng lượng

Một chế độ ăn kiêng, trong đó lượng quả hạnh nhân chiếm 20% lượng calory đưa vào cơ thể trên 16 tuần cho thấy tín hiệu cải thiện rõ rệt khả năng sản xuất insulin và làm giảm đáng kể lipoprotein cholesterol mật độ thấp (LDL-C), loại cholesterol bám vào thành động tĩnh mạch ngăn cản lưu thông máu ở người trưởng thành ở giai đoạn tiền tiểu đường.

Ưu điểm của việc sử dụng quả hạnh nhân là ăn ngon và có thể ăn ở bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, theo bác sỹ Gupta, ăn quả hạnh nhân cần phải kết hợp với việc tính toán lượng calory hợp lý đưa vào cơ thể mới có hiệu quả chữa bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường phát sinh khi cơ thể giảm khả năng sản xuất hoóc môn insulin có chức năng kiểm soát mức độ đường trong máu. Người mắc căn bệnh này có các triệu chứng mệt mỏi, khát nước quá mức và hay đi tiểu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ấn Độ hiện là nước có số người mắc bệnh tiểu đường lớn nhất thế giới với 50,8 triệu người, tiếp theo là Trung Quốc với 43,2 triệu người. Dự kiến tới năm 2030, số người mắc căn bệnh này ở Ấn Đô sẽ tăng tới 87 triệu người.

Một trong các nguyên nhân chính khiến số người mắc bệnh tiểu đường tăng mạnh ở Ấn Độ là do chế độ làm việc tĩnh tại và sử dụng nhiều thức ăn nhanh.

Theo New Delhi, Vietnamplus
  • 9.173