Sốt xuất huyết gia tăng bất thường tại TP HCM

  •  
  • 302

Theo Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nguyễn Đắc Thọ, hai tháng đầu năm có hơn 1.200 ca sốt xuất huyết. Số người mắc bệnh tuần sau cao hơn tuần trước. Đây là sự bất thường vì bệnh này thường phải giảm trong mùa khô.

Nếu đúng theo chu kỳ, hằng năm sốt xuất huyết thường bùng phát từ tháng 4 đến tháng 9. Vào những tháng nắng thường không có hoặc rất ít bệnh nhân nhập viện. Thế nhưng hiện nay, các bệnh viện trong thành phố vẫn đều đặn tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết.

So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân nội trú tăng lên gần gấp đôi tại các bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II, Bệnh viện bệnh nhiệt đới, Nhân dân Gia Định...


Bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I. (Ảnh: VNE)

Trong đó, "Tỷ lệ trẻ dưới 18 tháng tuổi mắc bệnh chiếm một tỷ lệ đáng kể. Các bậc cha mẹ không được mất cảnh giác với căn bệnh này ở bất kỳ lứa tuổi nào", bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng II, cho biết.

Số ca nhập viện vì sốc nặng khá nhiều. Theo bác sĩ Văn Bích, Trưởng khoa nhi Bệnh viện nhân dân Gia Định, trong số ca sốt xuất huyết nhập viện mỗi ngày, các ca vào sốc nặng thường là những trẻ 8-10 tuổi. Thời gian điều trị 9-10 ngày, kéo dài hơn so với trước đây 1-2 ngày. "Đây một sự khác biệt về thời gian điều trị. Sự khác biệt này có thể do tình hình dịch tễ đã thay đổi", bác sĩ Bích nói thêm.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết, qua thực tế, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng thường ở các vùng sâu. Vì không hiểu nên khi mắc bệnh hết sốt tưởng là hết bệnh. Nhưng thật ra, sự nguy hiểm của căn bệnh thường chính là lúc người hết sốt, đó là giai đoạn vào sốc nặng có thể làm nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Hiền, mặc dù vẫn khẳng định muỗi chính là thủ phạm truyền bệnh sốt xuất huyết, nhưng thật sự cách thức gây bệnh như thế nào vẫn còn nhiều điều chưa rõ. Thực tế nhận thấy, người lớn khi mắc bệnh có biểu hiện sốt xuất huyết nhiều hơn trẻ em nhưng ít sốc và lành tính hơn. Qua khảo sát, bệnh cảnh lâm sàng của người lớn có nhiều biểu hiện khác với trẻ em. Bên cạnh những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết còn có một số biểu hiện khác nhưng chưa được để ý như: gan cũng bị tổn thương; ở người lớn men gan tăng lên rất nhiều nhưng không gây vàng da; cơ chế đông máu do yếu tố nào cũng chưa được nghiên cứu.

Bác sĩ Hiền cho biết: "Trong cùng một gia đình nếu có một người phải nhập viện chắc chắn có nhiều người khác đã bị nhiễm nhưng không biết vì sao không phát bệnh".

Hiện Bệnh viện bệnh nhiệt đới phối hợp với một số bệnh viện khác thực hiện nghiên cứu vấn đề này bằng cách xin phép lấy máu những người thân trong gia đình có người nhập viện để làm xét nghiệm. Tuy nhiên việc làm này gặp khá nhiều khó khăn, mặc dù được nhân viên y tế giải thích phân tích mục đích của việc lấy máu để làm xét nghiệm nhưng có nhiều người vẫn không ủng hộ vì sợ "xui xẻo".

Mỹ Lan

Theo Vnexpress
  • 302