Làm gì khi trẻ tiêu chảy kéo dài?

  •  
  • 1.148

Gọi là tiêu chảy kéo dài khi tình trạng này kéo dài trên 14 ngày. Bệnh thường dẫn đến suy dinh dưỡng nặng và dễ tử vong.

Khi trẻ bị tiêu chảy lâu, lượng thức ăn đưa vào cơ thể giảm, sự hấp thu của niêm mạc ruột cũng giảm trong khi nhu cầu dinh dưỡng tăng để đáp ứng cho chuyển hóa (do sốt), hồi phục liên bào ruột bị tổn thương, bù lại protein mất qua ruột.

Trong năm đầu đời, cứ 5 trẻ tiêu chảy cấp thì một chuyển sang tiêu chảy kéo dài. Nguy vơ này là 1/10 ở năm thứ 2 là 3% ở năm thứ ba. Những trẻ dễ bị tiêu chảy kéo dài là trẻ suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (vitamin A, kẽm, sắt...), HIV/AIDS, trẻ thường xuyên bị tiêu chảy hay mắc sởi, lỵ, sử dụng kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn, trẻ nuôi nhân tạo, không dung nạp được lactose, dị ứng protein sữa động vật.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị tiêu chảy kéo dài Nuôi dưỡng hợp lý có tác dụng thúc đẩy hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian tiêu chảy. Vì vậy, nên sử dụng các thức ăn dễ tiêu hóa hấp thu, giá trị dinh dưỡng cao, khẩu phần có đủ protein năng lượng. Cần lưu ý đến tình trạng kém dung nạp lactose, dị ứng protein sữa bò và những thức ăn, nước uống có nồng độ đường, muối quá cao làm tăng nồng độ thẩm thấu dễ gây tiêu chảy.

Chế độ ăn khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài

Trẻ dưới 6 tháng tuổi:

Khi trẻ bị tiêu chảy cần cho trẻ bú nhiều lần trong ngày
Khi trẻ bị tiêu chảy cần cho trẻ bú nhiều lần trong ngày (Ảnh: Dân trí)
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ thì tạm thời pha loãng sữa động vật hoặc sử dụng sữa bò không có lactose hay sữa đậu nành.

Trẻ 6-12 tháng tuổi: Tiếp tục bú sữa mẹ. Pha loãng sữa động vật bằng nước cháo để làm giảm 50% nồng độ đường lactose hoặc sữa chua, sữa đậu nành. Thức ăn bổ sung có đủ 4 nhóm thực phẩm (ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, rau xanh, dầu mỡ) dễ tiêu hóa, có nồng độ thẩm thấu thích hợp. Chia thức ăn làm nhiều bữa trong ngày.

Trẻ 1-3 tuổi: Bú mẹ hoặc ăn sữa động vật pha loãng, sữa chua, sữa đậu nành. Bảo đảm năng lượng 100-110 kcal/kg mỗi ngày. Chế biến thức ăn dưới dạng mềm, lỏng. Thịt gà băm nhỏ cho vào bột cháo và thêm dầu thực vật. Thịt gà dễ hấp thu, có tác dụng hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian tiêu chảy. 

Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường theo lứa tuổi và cho ăn thêm mỗi ngày một bữa, kéo dài một tháng sau khi khỏi bệnh.

Dùng thuốc trong tiêu chảy kéo dài

Dùng kháng sinh khi trẻ bị lỵ, nhiễm khuẩn phối hợp.

Cung cấp thêm vitamin (A, B1, C) và vi khoáng (sắt, kẽm).

Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, cho uống vitamin A liều cao. Trẻ dưới 6 tháng 50.000 đơn vị. Trẻ dưới 1 tuổi 100.000 đơn vị. Trẻ trên 1 tuổi 200.000 đơn vị.

Chống mất nước: Chỉ xử trí tại nhà, bù dịch bằng đường uống khi trẻ bị tiêu chảy chưa có biểu hiện mất nước (trẻ tỉnh táo, không khát, nếp véo da mất nhanh). Nếu tiếp tục tiêu chảy có nguy cơ mất nước thì trẻ phải được điều trị tại cơ sở y tế.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
  • 1.148