Bệnh trầm cảm ở HS-SV

  •  
  • 1.424

Áp lực từ việc học, gia đình, xã hội... đang khiến cho tỷ lệ học sinh, sinh viên mắc bệnh về rối loạn tâm trí, rối loạn hành vi có chiều hướng gia tăng. Đó chính là bệnh trầm cảm ở học sinh.

Những biểu hiện “bất thường”

Áp lực từ việc học, gia đình, xã hội... đang khiến cho tỷ lệ học sinh, sinh viên mắc bệnh về rối loạn tâm trí
Áp lực từ việc học, gia đình, xã hội... đang khiến cho tỷ lệ học sinh, sinh viên mắc bệnh về rối loạn tâm trí
Theo thống kê từ Bệnh viện Tâm thần T.Ư, năm 2005, trong tổng số gần 5.000 người có biểu hiện “bất bình thường” đến khám, tư vấn, thì 30% là HS,SV. Theo điều tra của Bệnh viện Nhi T.Ư tại một số trường học thì cũng có tới 20% HS lo lắng, có biểu hiện của bệnh rối loạn tâm trí hay còn gọi là bệnh trầm cảm.

Vốn là một học sinh khá, nhưng từ lớp 9, sức học của Nguyễn Thị N. (hiện là học sinh lớp 12, trường THPT K) giảm sút. Em hay lảng tránh mọi người, sống khép mình, lo lắng về chuyện gì đó và nhất định không nói lý do. Trình trạng này kéo dài và ngày càng trầm trọng. Bố mẹ đưa N. đến Bệnh viện Tâm thần và mới vỡ lẽ N. đã bị rối loạn tâm trí ở thể nhẹ do hằng ngày em bị một thanh niên theo sát mỗi khi đến trường, gần đây thêm áp lực của kỳ thi đại học.

Trần Văn T., sinh viên Đại học Thương mại thấy mệt mỏi, chán nản, thờ ơ trước mọi chuyện vì… được bố quá cưng chiều về vật chất. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ hai và ông đã bù đắp cho con bằng cách cho tiêu tiền thoải mái.

Có những trường hợp, nguyên nhân gây ra bệnh không do ngoại cảnh mà  lại từ chính bản thân người bệnh và trường hợp của Nguyễn Thị L. , học sinh lớp 8 là một thí dụ. Bước vào tuổi dậy thì, nhưng do không hiểu biết về giới tính, không được người lớn hướng dẫn, giải thích nên em đã sợ hãi, lo lắng, mất tập trung, thiếu tự tin trong học tập cũng như cuộc sống. Trên đây là ba trường hợp  điển hình được khám, tư vấn tại Bệnh viện Tâm thần trung ương.

Đâu là bệnh và cách điều trị?

Trầm cảm là dạng rối loạn tâm thần hay gặp, với triệu chứng rất đa dạng và phong phú như mất ngủ, mệt mỏi, uể oải. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng giảm sút khả năng học tập ở học sinh. Cảm giác buồn rầu, hoặc bực bội, khó chịu làm các em luôn rầu rĩ, cáu gắt vì những lý do không đâu. Đôi lúc các em cho mình là vô dụng, vì vậy muốn buông xuôi mọi việc, thậm chí xuất hiện ý nghĩ tiêu cực như tự tử hoặc gây gổ đánh nhau với người khác. Từ đó dẫn đến những rối loạn cơ thể như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi, kém ăn, gầy yếu...

Đa số đến bệnh viện khám khi đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã trở thành mạn tính nên việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn. Vì thế, cha mẹ không được coi thường những triệu chứng này. Trầm cảm ở trẻ có thể xuất hiện không vì nguyên nhân trực tiếp mà do những dồn nén từ tuổi ấu thơ bùng phát vô ý thức thành bệnh, có thể do những đau đớn, khó chịu do sự phát triển quá nhanh của cơ thể ở giai đoạn dậy thì.

Theo các chuyên gia tâm lý và thần kinh, bệnh trầm cảm hay rối loạn tâm trí  là bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên, tạo thành những biến đổi bất thường trong ý nghĩ, cảm xúc, hành vi và tác phong của người bệnh. Điều trị trầm cảm bằng cách an ủi, động viên, trò chuyện có hiệu quả đối với các em bị nhẹ.

Điều cần thiết để chống lại cảm giác trầm cảm là bản thân người mắc cần có ý chí, biết quan tâm đến chính mình và vận động thân thể. Thầy thuốc sẽ cho thuốc chống trầm cảm, kết hợp với tâm lý liệu pháp và tư vấn. Trầm cảm là một trong những bệnh điều trị có hiệu quả nhất. Khi đã được chẩn đoán và điều trị đúng đắn, hơn 80% người trầm cảm đã hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến kết quả tồi tệ, thậm chí là tử vong.

Theo Hà Nội mới, TTO
  • 1.424