Khi nào cần đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương?

  •  
  • 8.588

Hiện nay, có hiện tượng ai cũng sợ mình bị loãng xương và ồ ạt đi đo độ loãng xương (LX). Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận thức được rằng bất kỳ phương pháp chẩn đoán nào cũng có hạn chế của nó và có thể còn mang lại sự tốn kém về thời gian, tiền bạc và mua thêm sự lo lắng, sợ hãi...

Tại sao lại cần phải đo mật độ xương để chẩn đoán LX?

Đo mật độ xương cho bệnh nhân tại Viện lão khoa
Đo mật độ xương cho bệnh nhân tại Viện lão khoa (Ảnh: TTO)
LX là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương được đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương (tức là giảm mật độ chất khoáng của xương, chủ yếu là canxi), kết hợp với sự hư biến vi cấu trúc của tổ chức xương, làm cho xương trở nên giòn và có nguy cơ gãy xương. Về lý thuyết, để chẩn đoán được LX phải đánh giá được đồng thời cả hai yếu tố: mật độ khoáng hóa của xương vi cấu trúc xương.

Có nhiều phương pháp để chẩn đoán LX. Đầu tiên là các phương pháp đánh giá cấu trúc của xương trực tiếp (qua sinh thiết xương), hay gián tiếp (dùng phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân để đánh giá cấu trúc xương trong không gian ba chiều). Sinh thiết xương để chẩn đoán LX gây đau đớn, chỉ thực hiện được ở xương cánh chậu, nên không thể phổ cập được. Phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân rất đắt tiền nên chưa thể có ứng dụng trong lâm sàng, mà chỉ mới dừng lại trong các nghiên cứu khoa học.

Chẩn đoán lâm sàng thường muộn do LX tiến triển một cách thầm lặng, không có triệu chứng và chỉ thể hiện ra ở giai đoạn muộn, khi đã có biến chứng. Đó là đau cột sống do lún xẹp đốt sống, kèm theo giảm chiều cao, gù hay gãy các xương đùi, cổ tay, xương chậu, xương sườn. Các biến chứng này đòi hỏi chạy chữa lâu dài, tốn kém, với tỷ lệ tử vong cao.

Phương pháp chẩn đoán bằng chụp Xquang cũng chỉ cho phép chẩn đoán khi mật độ xương đã bị mất từ 30-50%. Do vậy Xquang không được chỉ định để chẩn đoán xác định LX. Các xét nghiệm sinh hóa để đánh giá chu chuyển xương (quá trình tạo xương và hủy xương) rất tốn kém và lại không cho phép đánh giá được mật độ xương cũng như không tiên lượng được nguy cơ gãy xương. Chính vì vậy, người ta không khuyên sử dụng các chất đánh dấu chu chuyển xương để chẩn đoán và theo dõi điều trị.

Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO 1994) quy định dùng phương pháp đo mật độ khoáng hóa của xương để chẩn đoán LX. Đo mật độ xương còn cho phép chẩn đoán LX ở giai đoạn sớm, khi chưa có những biến chứng nặng nề như gãy xương. Do vậy đo mật độ xương (MĐX) được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán LX.

Những ai cần phải đo MĐX?

Đầu tiên là những đối tượng có nguy cơ cao bị LX cần được đo MĐX. Đó là những người cao tuổi, người da trắng hay châu Á, có tiền sử gãy xương sau 40-45 tuổi, tiền sử gia đình gãy xương hay LX, bất động kéo dài hay ít hoạt động thể lực, hay trọng lượng cơ thể thấp (BMI < 19kg/m2), gầy sút, thiếu estrogen, hút thuốc lá và uống rượu, sử dụng ít canxi và vitamin D và dùng corticosteroid kéo dài.

Một số tác giả cho rằng phụ nữ không dùng hormon thay thế trong 5 năm đầu sau mãn kinh cũng bị nguy cơ LX cao hơn người khác. Không cần phải đo MĐX ở tất cả phụ nữ sau mãn kinh. Chỉ cần đo MĐX ở những phụ nữ mãn kinh sớm trước 40 tuổi hay những phụ nữ mãn kinh bình thường nhưng có tiền sử bệnh lý có thể gây LX thứ phát (suy sinh dục kéo dài, cường giáp tiến triển không được điều trị, cường vỏ thượng thận và cường giáp tiên phát).

Tiếp theo là cần đo MĐX ở những người có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ lún xẹp đốt sống, giảm chiều cao, gù, hay bị gãy xương tay, chân, xảy ra không do chấn thương nặng nề nào.

Khi nào cần lặp lại đo MĐX?

Nếu như không có chỉ định điều trị sau khi đo MĐX, chỉ nên lặp lại đo MĐX sau 2-3 năm, thận chí 4 năm. Để phát hiện thay đổi MĐX 2-3% cần phải 1-1,5 năm nếu như sai số đó là 1%, và 5 năm nếu sai số của máy là 5%. Khi đo lại, cần đo ở cùng một máy trên cùng một vị trí.

Trong trường hợp điều trị, có thể đo lặp lại MĐX ở cột sống thắt lưng vì tác dụng của thuốc ở vị trí này khá rõ rệt.

Ngoài đo MĐX còn phải chú ý đến yếu tố nào nữa?

Còn có nhiều yếu tố khác gây ngã xương chứ không chỉ là MĐX. Đó là các yếu tố nguy cơ gây gãy, rất dễ dẫn đến gãy xương đùi như: thị lực yếu, giảm vận động do bất động, môi trường không thích hợp (tất cả những đồ gây ngã ở nhà), giảm cơ lực (khó khăn leo cầu thang, giảm sức duỗi gối, hay lực cơ tứ đầu đùi), điều trị thuốc an thần hay ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng. Kiểu ngã, chiều cao, chiều dài xương đùi cũng là yếu tố nguy cơ không phụ thuộc vào MĐX.

Tóm lại, chỉ nên đo MĐX ở những người có nguy cơ cao bị LX hay nghi người bị LX. Chỉ khi đó đo MĐX mới phát huy hết tác dụng của nó.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
  • 8.588